Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 760

Tổng lượt truy cập: 1.502.359

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số

13:57, Thứ Tư, 6-7-2022

Thời gian qua, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Để có được điều đó, ngành y tế - dân số đã đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các mô hình, đề án với nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

Ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới như: Chương trình điều chỉnh mức sinh; chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; chương trình CSSK người cao tuổi (NCT); đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng). 

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số và phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở và thường xuyên phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông tại cộng đồng như: Nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các cuộc họp dân, sinh hoạt các CLB, sinh hoạt nhóm nhỏ.

 Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số là mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã nhân rộng thêm 3 câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, bình quân mỗi CLB có 50 thành viên, nâng tổng số CLB tiền hôn nhân trên toàn tỉnh đến nay là 40 CLB với 2.395 thành viên. Mô hình là kênh thông tin hữu ích, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết cho đoàn viên, thanh niên, giúp các bạn trẻ có thể tự bảo vệ và CSSK cho bản thân, nâng cao năng lực để trở thành những tuyên truyền viên trong lĩnh vực dân số và phát triển.

 Tiến hành tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng dân số. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.393 bà mẹ mang thai được sàng lọc, đạt 27,6% so với số bà mẹ mang thai trong kỳ (ước đạt 72% kế hoạch năm), phát hiện 23 trường hợp nghi ngờ mắc dị tật bào thai; có 526 trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân, đạt 16,4% so với số trẻ sinh ra trong kỳ (ước đạt 46,9% so với kế hoạch năm), phát hiện 47 trẻ có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh.

 Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà Lê Thị Hải Lộc chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định việc triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một nội dung trọng tâm của công tác dân số và phát triển. Đề án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp trẻ phát triển bình thường và tránh những hậu quả nặng nề mà dị tật bẩm sinh gây ra. Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin về lợi ích của sàng lọc thông qua hình thức tư vấn nhóm, vận động trực tiếp tại hộ gia đình, chúng tôi còn tiếp tục triển khai dịch vụ sàng lọc siêu âm, lấy mẫu máu khô tại các cơ sở y tế với mong muốn càng đông người dân tham gia càng tốt”.

 Mô hình tư vấn, CSSK NCT dựa vào cộng đồng cũng được quan tâm thực hiện. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND, ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai, duy trì và nhân rộng mô hình này tại 22 xã, phường, thị trấn và thành lập được 44 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, thu hút hơn 2.500 NCT tham gia CLB. Có 95.940 NCT có thẻ bảo hiểm y tế (đạt 91,13% so với tổng số người cao tuổi). Đặc biệt, nhân hưởng ứng ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6), trung tâm y tế các huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế xã phối hợp với hội NCT ở cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền cung cấp kiến thức, kỹ năng tự CSSK cho NCT và tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép khám sức khỏe định kỳ cho NCT tại trạm y tế.

 Năm nay, điểm mới của chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ là ngoài việc tiếp tục cung cấp 2 gói dịch vụ thuộc chương trình điều chỉnh mức sinh, gồm: Gói dịch vụ KHHGĐ và gói dịch vụ khám, điều trị bệnh phụ khoa. Ngoài ra, chiến dịch còn mở rộng thêm 2 gói dịch vụ thuộc chương trình nâng cao chất lượng dân số gồm tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn và sàng lọc trước sinh. Nhìn chung, các địa phương cơ bản đã tổ chức triển khai chiến dịch theo mục đích, yêu cầu và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra tại 50 xã, phường, thị trấn. Có 5.745 phụ nữ được khám phụ khoa, đạt 85,7% so với kế hoạch chiến dịch năm; có 8.863 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 93,6% so với kế hoạch chiến dịch năm; có 900 nam, nữ thanh niên được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân và 592 phụ nữ mang thai được tư vấn sàng lọc trước sinh.

 Ngoài những hiệu quả mà các mô hình, đề án, chương trình hoạt động mang lại, công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm nay, Thông tư 26/2018/TT-BYT hết hiệu lực và hầu hết các đơn vị lúng túng trong việc lập, phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ công tác dân số theo Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh nên một số hoạt động của các chương trình, đề án chưa được triển khai theo kế hoạch; hoạt động của mô hình tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ CSSKSS còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ.

 Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết: “Trong thời gian tới, ngành dân số tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số sẽ tiếp tục nhân rộng và hình thức triển khai sẽ được đổi mới, phong phú, đa dạng hơn nhằm thu hút sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, chi cục sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các mô hình, đề án ở địa phương để phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình”.

Các tin khác