Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 278

Tổng lượt truy cập: 1.499.671

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh ở Triệu Phong

13:50, Thứ Ba, 7-11-2023

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững về cơ cấu dân số, chất lượng dân số, những năm qua, huyện Triệu Phong tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu, góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng tỉ số giới tính.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, số trẻ sinh ra ở Triệu Phong là nam nhiều hơn so với nữ, cụ thể: tỉ số giới tính khi sinh năm 2016 là 110,6 bé trai/100 bé gái, đến năm 2021 là 152,4 bé trai/100 bé gái, năm 2022 là 128 bé trai/100 bé gái; tỉ số này cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh (111,2 bé trai/100 bé gái).

Đây thực sự là những con số đáng lo ngại và là thách thức lớn đối với sự phát triển của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng MCBGTKS hiện nay là do vẫn còn tư tưởng nặng nề vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường. Ở khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu hay trợ cấp xã hội, họ phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai.

Nhiều người vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai. Ngoài ra, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động chân tay của nam giới. Vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho gia đình. Bên cạnh đó, chuẩn mực xã hội mới như: gia đình quy mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng hãy dừng lại ở 2 con cũng là lý do khiến họ tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính để sinh con theo ý muốn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của y học về phương tiện kỹ thuật lẫn trình độ chuyên môn của cán bộ y tế là điều kiện để nhiều gia đình tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi...

MCBGTKS dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước trong hiện tại và tương lai. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỉ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Điều này tạo ra nguy cơ không hề nhỏ đối với sức khỏe và tính mạng của thai phụ.

Cùng với đó là các vấn đề về căng thẳng tâm lý, mong muốn có con trai của các thành viên trong gia đình có thể khiến người phụ nữ phải chịu áp lực sinh bằng được con trai, Thậm chí, làm gia tăng các vụ bạo lực gia đình, ly hôn, các tệ nạn như: mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tạo ra sự bất ổn xã hội. Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, thời gian qua, huyện Triệu Phong đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tăng cường truyền thông về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Phối hợp với các trường THPT, THCS tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trong trường học; phối hợp với hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kỹ năng tuyên truyền về giới và GTKS cho đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số; tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về kiểm soát MCBGTKS, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm các hành vi chẩn đoán lựa chọn giới tính thai nhi.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trực tiếp về kiểm soát MCBGTKS đến các đối tượng tại cộng đồng, địa bàn cư trú thông qua mạng lưới CTV dân số, nhân viên y tế thôn, bản và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể ở cơ sở; duy trì và nhân rộng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên...

Thông qua triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật góp phần từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội, từ đó có những chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng MCBGTKS.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thôn Ba Tư, xã Triệu Lăng chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 2 con gái và quyết tâm dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Nhờ vậy, chúng tôi có thời gian đầu tư phát triển kinh tế, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn. Đến bây giờ, các con đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, tạo động lực cho chúng tôi xây dựng hạnh phúc gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong Lê Thị Cảnh Hoa cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đẩy mạnh sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các giải pháp giảm thiểu MCBGTKS. Đặc biệt, để giải quyết MCBGTKS thì cần giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái.Đồng thời, tiếp tục truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi định kiến về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ”. Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phát huy hiệu quả quản lý, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS; đưa giáo dục pháp luật về kiểm soát MCBGTKS vào các trường học nhằm tuyên truyền, tư vấn về giới tính, hậu quả MCBGTKS... Từ đó, khống chế tốc độ gia tăng tỉ số GTKS góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương”.

Lệ Hà

Các tin khác