Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 717

Tổng lượt truy cập: 1.506.917

Hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ kế hoạch; điều hành tài chính - ngân sách cuối năm 2022

10:32, Thứ Ba, 10-1-2023

Để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, điều hành tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2022 đúng theo quy định, tránh tình trạng chuyển nguồn sang năm sau hoặc hủy dự toán, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung như sau

1. Khẩn trương rà soát các nguồn kinh phí đã được giao năm 2022 (nguồn thực hiện các CTMT, nguồn hỗ trợ có mục tiêu, nguồn mua sắm, sửa chữa, chế độ, chính sách, nguồn phòng chống dịch, nguồn kinh phí tuyến xã, …) để sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí và đảm bảo công tác giải ngân kịp thời trong niên độ tài chính theo các quy định hiện hành. Không để xảy ra tình trạng chuyển nguồn sang năm sau hoặc hủy dự toán.

- Trong quá trình điều hành dự toán đơn vị thực hiện theo nguyên tắc sau: Thực hiện đầy đủ các nội dung công việc đã được giao, đảm bảo hiệu quả, thực hành tiết kiệm; được chủ động điều chỉnh không khống chế số tiền trong nội bộ từng khoản chi sự nghiệp có cùng một nội dung giao dự toán. Thực hiện đối chiếu tình hình thực hiện nhiệm vụ và dự toán đã giao đảm bảo việc giải ngân theo đúng tiến độ; trường hợp nhiệm vụ chi đã hoàn thành nhưng còn dư dự toán, đơn vị đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ chi hoặc đề nghị thu hồi dự toán báo cáo Sở Y tế xem xét để điều chỉnh, hoặc thu hồi dự toán; trường hợp phải điều chỉnh nội dung đã bố trí trong dự toán hoặc các nội dung đã bố trí nhưng không thực hiện mà có nhu cầu điều chỉnh sang chi các nội dung khác, đơn vị báo cáo Sở Y tế để xem xét quyết định.

- Các đơn vị thực hiện rà soát, cân đối nguồn thu - chi đảm bảo chi lương và các khoản chi cho con người đầy đủ theo quy định. Sau khi cân đối nguồn thu không đủ chi lương, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Y tế trước ngày 20/12/2022 để trình cấp kinh phí kịp thời.

2. Đối với kinh phí phòng, chống dịch COVID-19:

- Đơn vị căn cứ dự toán kinh phí được cấp, thực hiện thanh quyết toán các nhiệm vụ phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2021, 2022, đề nghị chi trả dứt điểm cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 còn thiếu năm 2021 (chi chế độ, chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch; công nợ …).

- Đối với các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 phát sinh trong năm 2022, các đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác, chịu trách nhiệm về nhu cầu kinh phí đã thực hiện và báo cáo chi tiết theo công văn 4624/STC-TCHCSN của Sở Tài chính, công văn 2351/SYT-KHTC của Sở Y tế về việc hướng dẫn thực hiện và quyết toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2022 để Sở Y tế tổng hợp báo cáo cho Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh bổ sung dự toán; tránh trường hợp dự toán bố trí bổ sung không thực hiện giải ngân hết hoặc sau khi giải ngân phải nộp trả dự toán, làm ảnh hưởng đến số liệu báo cáo Sở Tài chính khi đề nghị cấp bổ sung cho toàn ngành Y tế. Trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước chưa được bố trí, đề nghị đơn vị tạm ứng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi trả kịp thời các chế độ, chính sách (ưu tiên chi trả các chế độ, chính sách cho người lao động; đối tượng cách ly).

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, làm cơ sở để Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán trả nợ tồn đọng năm 2021, 2022 và tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới, vì vậy đề nghị Giám đốc các đơn vị quan tâm, chỉ đạo sát sao các bộ phận, cá nhân có liên quan kịp thời thực hiện.

3. Về thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển

Thực hiện Công văn số 6303/UBND-TH ngày 08/12/2022 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 đầu năm 2023. Đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thời hạn và chất lượng; xem xét đánh giá khả năng thanh toán, trường hợp dự án không đảm bảo tiến độ, đơn vị đề xuất điều chuyển vốn, hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Báo cáo tình hình thực hiện và đề xuất phương án xử lý đối với những trường hợp vướng mắc gửi về Sở Y tế để tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Các đơn vị được cấp dự toán kinh phí tại Quyết định 2555/QĐ-SYT ngày 17/10/2022 và Quyết định 2600/QĐ-SYT ngày 25/10/2022 rà soát các nhiệm vụ chi được giao, tập trung thực hiện đảm bảo công tác giải ngân đúng quy định.

4. Về dự toán năm 2023, giai đoạn 2023-2025 và phương án tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Thông tư 56/2022/TT-BTC

- Dự toán năm 2023, giai đoạn 2023-2024: Trên cơ sở dự toán do đơn vị xây dựng, Sở Y tế đã thẩm định, tổng hợp gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, Sở Y tế sẽ phân bổ về cho các đơn vị thực hiện. Đối với dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính.

- Căn cứ Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực; Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Trên cơ sở báo cáo phương án tự chủ tài chính của đơn vị đề xuất, Sở Y tế tổng hợp thẩm định phân loại mức độ tự chủ và dự toán thu chi của các đơn vị và lấy ý kiến Sở Tài chính để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định cho các đơn vị thực hiện.

5. Công tác quản lý, cập nhật tài sản công

- Thực hiện Công văn số 3850/STC-QLG&CS ngày 27/10/2022 của Sở Tài chính Quảng Trị về việc cập nhật số liệu vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công theo Công văn số 480/BTC-QLCS ngày 13/01/2022 của Bộ Tài chính về việc triển khai hệ thống Phần mềm thuộc Dự án “Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công”. Công văn số 4346/STC-QLG&CS ngày 16/11/2022 của Sở Tài chính về việc triển khai thực hiện Công văn số 11537/BTC-QLCS của Bộ Tài chính. Sở Y tế đề nghị các đơn vị rà soát, hoàn thành việc cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu tài sản của đơn vị trước ngày 30/12/2022.

- Đơn vị tiến hành công tác kiểm kê tài sản, CCDC cuối năm theo đúng thời gian quy định và cập đầy đủ trên phần mềm quản lý tài sản công. Rà soát loại danh mục các tài sản hiện có và đề xuất điều chuyển nếu đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc đề xuất thanh lý các tài sản đã hư hỏng.

6. Công tác khóa sổ và lập Báo cáo quyết toán, Báo cáo Tài chính.

- Thời hạn hạch toán chi ngân sách các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, các khoản thanh toán cho công việc, khối lượng đã được thực hiện từ ngày 31/12/2022 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách là đến hết 31/01/2023 theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/20216 của Chính phủ.

- Số liệu thu, chi NSNN năm 2022 đến hết 31/01/2022 là cơ sở để Kho bạc Nhà nước đối chiếu, xác nhận với đơn vị, đồng thời làm cơ sở xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách theo quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính. Nếu có sự chênh lệch, các đơn vị chủ động phối hợp tìm nguyên nhân, thực hiện điều chỉnh đảm bảo số liệu chính xác.

Về biểu mẫu quyết toán, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và thời hạn gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cuối năm:

- Thực hiện theo Điều 30 của Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016, Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017, Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 và Thông tư số 99/2018/TT-BTC ngày 01/11/2018 của Bộ Tài chính.

- Thời hạn gửi báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính: Ngày 28/02/2023.

7. Một số nội dung cần lưu ý:

- Tổ chức việc rà soát hồ sơ, chứng từ liên quan đến đấu thầu mua sắm, thực hiện thanh toán cho nhà thầu đã trúng thầu theo hợp đồng đã ký giữa các bên; tổ chức triển khai việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt.

- Hồ sơ chứng từ liên quan đến công tác sữa chữa tài sản, nhà cửa đề nghị các đơn vị thực hiện đảm bảo đầy đủ theo quy định.

- Đối với việc mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng, thanh lý tài sản: Căn cứ Quy chế quản lý sử dụng tài sản công, kế hoạch mua sắm, bảo dưỡng sửa chữa trong năm, các đơn vị tổ chức triển khai việc mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản đảm bảo không để xảy ra tình trạng hư hỏng tài sản do không được bảo dưỡng theo kế hoạch hàng năm.

- Thực hiện việc kê khai, nộp ngân sách các khoản thuế, phí theo quy định; Thực hiện đầy đủ các kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không dùng tiền mặt.

Lan - Quỳnh

Các tin khác