Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 202

Tổng lượt truy cập: 1.499.595

Ghi nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở xã Húc

10:43, Thứ Năm, 2-11-2023

Cùng với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung cho người dân tại địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản là một trong những hoạt động được Trạm Y tế xã Húc (trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa) quan tâm. Nhờ đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) của người dân tại địa phương đến thời điểm hiện nay có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Là nhân viên y tế thôn bản, đồng thời là cô đỡ thôn bản của xã Húc, chị Lê Thị Hoài Thu hầu như thuộc nằm lòng các tập quán liên quan đến việc CSSKSS của người dân tại xã. Theo đánh giá của chị Thu, khoảng 5 năm trở lại đây, nhận thức, thói quen của người dân về vấn đề sức khỏe sinh sản có nhiều thay đổi, tiệm cận dần với xu hướng phát triển của miền xuôi. Thể hiện rõ nhất là việc có khá nhiều các bà mẹ mang thai (BMMT), nhất là các bà mẹ thuộc thế hệ trẻ biết quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân, biết đến các cơ sở y tế để khám thai đầy đủ và thực hiện việc sinh đẻ tại Trung tâm Y tế huyện hoặc các bệnh viện tuyến trên. “Trước đây, hầu như các BMMT rất ngại việc đến trạm y tế để được thăm khám, việc sinh đẻ hầu như diễn ra tại nhà, do đó sức khỏe sản phụ và trẻ sơ sinh khó được đảm bảo. Từ sự tuyên truyền, vận động của đội ngũ làm công tác y tế tại địa phương, các BMMT đã biết chú trọng việc đến trạm y tế khám thai định kỳ, uống bổ sung viên sắt, vi chất, tiêm phòng đúng lịch và chủ động tìm đến cơ sở y tế tin cậy để sinh con. Chỉ những trường hợp do địa bàn xa, chuyển dạ nhanh mới phải đẻ ở nhà nhưng gia đình đều báo cho trạm y tế biết và trạm đều cử nhân viên đến tận nhà đỡ đẻ”, chị Hoài Thu cho hay.

Truyền thông về SKSS vị thành niên cho học sinh tại trường học

Mang thai lần thứ hai, bà mẹ trẻ Hồ Thị Phêng ở thôn Ván Ri, xã Húc, huyện Hướng Hóa, rất tự tin về kỹ năng, kinh nghiệm làm mẹ của bản thân. Chị cho biết, con đầu của mình được 3 tuổi vợ chồng chị mới sinh tiếp con thứ hai. Từ lúc biết mình mang thai, chị Phêng đã nghỉ đi rẫy, không làm những công việc lao động nặng nhọc. Bố mẹ chồng và chồng chị cũng tạo điều kiện, quan tâm đến việc ăn uống, bồi dưỡng cho chị. Chị Phêng chia sẻ: “Sức khỏe tôi rất tốt và đứa con trong bụng tôi đang phát triển khỏe mạnh. Hằng tháng tôi đều đến trạm y tế xã để được khám, theo dõi sức khỏe. Vừa rồi tôi được chồng đưa lên Trung tâm Y tế huyện khám, siêu âm để yên tâm hơn. Ở nhà, tôi thực hiện đầy đủ lời khuyên của cán bộ y tế về chăm sóc sức khỏe trong lúc mang thai để được làm mẹ an toàn”.

Công tác CSSKSS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyên môn của Trạm y tế xã Húc, bao gồm các hoạt động quản lý thai nghén, chăm sóc bà mẹ sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh. Theo ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số bà mẹ mang thai (BMMT) trên địa bàn xã được quản lý là 65/70, đạt tỉ lệ gần 93%; tổng số lượt khám thai là 130 lần, bình quân mỗi bà mẹ đi khám thai 2 lần/thai kỳ. Tổng số phụ nữ khám thai 3 lần đủ 3 thời kỳ là 19/65, chiếm tỉ lệ 23% và tăng gần 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ sinh con tại cơ sở y tế đạt gần 97,5%, trong 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 1 trường hợp đẻ tại nhà và được cô đỡ thôn bản đỡ đẻ. Xã Húc có tất cả 8 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã 16 km. Địa hình trải dài, đường sá đi lại khó khăn, lực lượng cán bộ y tế ít nên công tác CSSK cho người dân nói chung và vấn đề CSSKSS nói riêng gặp không ít trở ngại.

Đối với công tác CSSKSS, để nâng cao hiệu quả hoạt động, trạm y tế chủ trương lồng ghép trong tất cả các chương trình triển khai tại trạm. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức CSSKSS, làm mẹ an toàn đến với người dân sớm nhất, từ thời điểm bà mẹ mới mang thai cho đến lúc sinh đẻ và nuôi con. Ngoài ra, trạm còn phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ CSSK vị thành niên, Câu lạc bộ CSSK tiền hôn nhân nhằm tuyên truyền, trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. “Riêng tại Trạm y tế xã Húc, hoạt động khám thai luôn được thực hiện thường xuyên hàng tháng. Trạm thống kê và quản lý số lượng các BMMT trên địa bàn để vận động, hướng dẫn đi khám thai sớm, đầy đủ, đúng lịch, đồng thời hướng dẫn BMMT chọn nơi đẻ an toàn, phù hợp. Với thuận lợi về đội ngũ nhân lực phụ trách công tác CSSKSS ổn định, có chuyên môn và tâm huyết, chúng tôi thường xuyên đến tận hộ gia đình của những BMMT để thăm khám, tư vấn cho họ các kiến thức liên quan về sức khỏe, chăm sóc thai nghén, làm mẹ an toàn cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ... Từ những hoạt động đó, chất lượng công tác CSSKSS trên địa bàn được cải thiện đáng kể, trong những tháng đầu năm 2023 không ghi nhận có các tai biến liên quan đến sản khoa xảy ra trên địa bàn”, bác sĩ Hồ Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Húc cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Hồ Thị Hằng, với đặc thù của một địa phương vùng khó khăn, công tác CSSKSS tại xã Húc hiện vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn dẫn đến hệ lụy có những bé gái làm mẹ khi còn ở tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra khiến một số mục tiêu trong công tác CSSKSS tại địa phương bị ảnh hưởng. Đối với các BMMT, tỉ lệ khám khám thai đầy đủ trong 3 thời kỳ còn thấp, mà nguyên nhân xuất phát từ việc những BMMT ở các thôn đi lại khó khăn, xa trạm y tế hoặc một bộ phận còn chưa chú trọng đến sự cần thiết của việc cần khám thai đầy đủ, đúng định kỳ.

“Để duy trì và góp phần nâng cao các chỉ số trong công tác CSSKSS cho người dân trong xã, chúng tôi tiếp tục chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân trong độ tuổi sinh đẻ hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề CSSKSS. Nỗ lực thực hiện các mục tiêu về nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cải thiện vấn đề SKSS vị thành niên, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương”, bác sĩ Hồ Thị Hằng cho biết thêm./.

Phương Thảo

Các tin khác