Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 624

Tổng lượt truy cập: 1.500.017

Vắc xin phế cầu phòng bệnh gì? Có các loại nào?

16:27, Thứ Bảy, 30-12-2023

Vắc xin phế cầu giúp phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai, nhiễm trùng huyết,… ở trẻ em và người lớn. Tiêm vắc xin phế cầu giúp bảo vệ phổi và hệ hô hấp cho trẻ em và người lớn.

Vắc xin phế cầu là gì?

Vắc xin phế cầu là loại vắc xin được nghiên cứu sản xuất với mục đích kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae – thủ phạm hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,..Vắc xin phế cầu đã được chứng minh tạo “miễn dịch chéo không đặc hiệu” với Covid-19, bảo vệ lá phổi, tăng cường đề kháng hô hấp cho nhóm người yếu thế, đặc biệt là trong những giai đoạn Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

vi khuẩn phế cầu

Hình ảnh minh họa vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae)

Vắc xin phế cầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho nhóm đối tượng người lớn và trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên, được chỉ định tiêm vào vùng cơ delta ở bắp tay hoặc mặt trước – bên đùi của trẻ. Có thể tiêm vắc xin phế cầu cùng lúc hoặc xen kẽ với bất cứ loại vắc xin nào.

Vì sao nên tiêm vắc xin phòng phế cầu?

Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn có tên Streptococcus Pneumoniae, thường được gọi là phế cầu. Đây là vi khuẩn yếm khí tùy nghi, Gram dương, được biết có hơn 100 túyp kháng nguyên cư trú chủ yếu ở mũi – họng và đường thở của con người. Người nhiễm phế cầu khuẩn có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng bao gồm viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu).

Bệnh do phế cầu khuẩn thường lây lan nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc gián tiếp dính phải vi khuẩn khi dùng chung đồ dùng cá nhân. Ở nhóm đối tượng yếu thế bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi, đặc biệt là người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền mạn tính như COPD, lao phổi, tim mạch, tiểu đường… phế cầu khuẩn sẽ dễ dàng gây bệnh. Thống kê cho thấy mỗi năm trên thế giới có gần nửa triệu trẻ em tử vong vì các bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn phế cầu. Trẻ em là nhóm đối tượng chính rất dễ mắc bệnh.

Thực tế cho thấy, phế cầu khuẩn cũng là tác nhân thường được phát hiện trong tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm ở nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, COPD, cúm,… Nếu một người đồng nhiễm với các bệnh cúm, phế cầu và Covid-19 thì tỷ lệ tử vong cao gấp 20 lần so với người bình thường. Phế cầu khuẩn không chỉ gây bệnh nặng, để lại những biến chứng cho hệ hô hấp và thần kinh mà còn gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh, đây cũng là trở ngại lớn của các bác sĩ trong việc điều trị bệnh. Thời gian điều trị kéo dài đồng nghĩa với chi phí tốn kém do phải dùng kháng sinh mạnh. Chính vì vậy, chủ động tiêm vắc xin phòng phế cầu là cần thiết và rất quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng các bệnh nguy hiểm chết người do vi khuẩn này gây ra.

Tiêm phế cầu phòng bệnh gì?

Tiêm phế cầu phòng bệnh gì hẳn là thắc mắc của rất nhiều người đang có nhu cầu tiêm ngừa vắc xin phòng các bệnh lý hô hấp trong thời điểm này. Các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra điển hình như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, mù, điếc, liệt, chậm phát triển,… đặc biệt viêm phổi do phế cầu luôn nằm trong top những bệnh gây tử vong cao có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ tiêm vắc xin phế cầu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu từ các tổ chức y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)CDC của Mỹ, cũng chỉ ra rằng việc tiêm ngừa sớm và đầy đủ các vắc xin phòng bệnh đường hô hấp như phế cầu, cúm, ho gà ở thời điểm này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lá phổi, tăng cường sức đề kháng đối với các bệnh đường hô hấp. Chính vì vậy, ngoài việc ngăn chặn các bệnh do phế cầu, tiêm vắc xin phế cầu giúp giảm thiểu nguy cơ mắc cũng như hạn chế việc tăng các biến chứng nặng từ Covid-19 nếu mắc thêm cúm, phế cầu hay các bệnh lý đường hô hấp.

Đối tượng nên tiêm phòng vac xin phế cầu

Vac xin phế cầu được khuyến cáo nên tiêm cho bất kỳ ai, nhất là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc phế cầu khuẩn và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề không được điều trị kịp thời.

  • Người có bệnh mạn tính, hệ miễn dịch yếu như: ung thư, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch, gan, phổi, thận,… Đây đều là nhóm đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng nặng cao hơn, nặng nề hơn, tử vong cao do phế cầu khuẩn, do đó tiêm vac xin phế cầu là rất cần thiết và quan trọng.

  • Người lớn trên 65 tuổi bất kể tình trạng bệnh lý, đặc biệt với những ai chưa từng được tiêm vaccine phế cầu cộng hợp (Pneumo 23) trước đây, cũng được đưa vào nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, khả năng tự bảo vệ dễ bị tổn thương và diễn biến nặng.

  • Nhóm đối tượng cuối cùng là những người thường xuyên tiếp xúc với người dễ bị mắc bệnh như: nhân viên y tế, thành viên gia đình chăm sóc người cao tuổi,… cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu để giảm nguy cơ lây nhiễm.

trẻ cần được tiêm vắc xin phòng phế cầu

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được tiêm vắc xin phế cầu càng sớm càng tốt

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin phế cầu

Vắc xin phế cầu sẽ chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Phụ nữ mang thai

  • Người quá mẫn với tá dược hoặc hoạt chất có trong thành phần của vắc xin

Tuy nhiên để chắc chắn mình có phải trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin phế cầu hay không, bạn nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định có tiêm hay không.

Cơ chế hoạt động của vắc xin phế cầu

Vắc xin phế cầu là một chất tạo miễn dịch tích cực được sử dụng để ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu khuẩn. Khi vắc xin phế cầu được tiêm vào người, nó hoạt động bằng cách khiến cơ thể tự sản xuất ra chất bảo vệ (kháng thể) chống lại căn bệnh này.

Vắc xin phế cầu có tác dụng trong bao lâu?

Tác dụng của vắc xin phế cầu phụ thuộc vào loại vắc xin và cũng phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, nếu thực hiện tiêm chủng các mũi vắc xin phế cầu theo đúng phác đồ quy định, vắc xin phế cầu có thể bảo vệ khá lâu, từ vài năm đến cả đời.

Các loại vắc xin phế cầu

1. Vắc xin phế cầu Prevenar 13

Vắc xin phế cầu Prevenar 13 được nghiên cứu, phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học – Pfizer (Mỹ) và được sản xuất tại quốc gia Bỉ. Loại vắc xin này là vắc xin cộng hợp giúp phòng tránh được 13 chủng vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F gây ra các bệnh nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm trùng máu,…

Vắc xin Prevenar-13 (Bỉ) được chỉ định dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chứng minh vắc xin Prevenar 13 có khả năng tạo “miễn dịch chéo không đặc hiệu” với Covid-19.

vắc xin phế cầu prevenar 13

Vắc xin phế cầu Prevenar 13 giúp bảo vệ phổi và tạo “miễn dịch chéo” với Covid-19

2. Vacxin phế cầu Synflorix

Vắc xin phế cầu Synflorix được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học Glaxosmithkline (GSK) – Bỉ. Loại vắc xin này là vắc xin cộng hợp giúp phòng tránh 10 chủng vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F gây các bệnh như: Hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa cấp,… Vắc xin Synflorix (Bỉ) được chỉ định dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên cho đến trước sinh nhật lần thứ 6.

vắc xin phế cầu 10 synflorix

Vắc xin phế cầu Synflorix phòng tránh 10 chủng vi khuẩn phế cầu gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F

Một số tác dụng phụ của vắc xin phế cầu

Một số tác dụng phụ phổ biến nhất của vắc xin phế cầu khuẩn thường gặp tại chỗ tiêm và toàn thân là:

  • Tác dụng phụ tại chỗ tiêm: đau nhức cánh tay, chai cứng chỗ tiêm

  • Tác dụng phụ toàn thân: mệt mỏi, sốt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng…

Tuy nhiên, đây đều là những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm ngừa vắc xin, rất bình thường và sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày, người tiêm không cần phải quá lo lắng.

Các tin khác