Chi tiết tin - Sở Y tế
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng những giải pháp sát đúng, hiệu quả
- 25-10-2024
- 267 lượt xem
Ông LÊ QUANG VỊNH, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị trả lời phỏng vấn
- Thưa ông! Có thể khẳng định công tác cải cách hành chính (CCHC) ở nước ta nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng những năm qua đã đạt được kết quả khá toàn diện và nổi bật, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương và nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc tế. Đề nghị ông cho biết tổng quan về tình hình thực hiện mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua như thế nào?
Xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân, thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đây cũng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước ta.
Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định rõ mục tiêu CCHC 10 năm tới là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.
Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021-2025 đã xác định mục tiêu chung: “Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao chất lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh năng động về môi trường kinh doanh và đầu tư... chỉ số PAR INDEX và PAPI thuộc nhóm 20 các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước”.
Qua ba năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể: Về mặt tích cực: Công tác chỉ đạo điều hành được lãnh đạo, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ việc xây dựng nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả.
Quá trình triển khai các nhiệm vụ CCHC có sự lãnh đạo tập trung, phân công giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các cấp và người đứng đầu. Nhiều nội dung quan trọng, các vấn đề còn vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh và Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã trực tiếp giải quyết, hoặc chỉ đạo tập trung để giải quyết, nên công tác CCHC được nhanh chóng triển khai và đạt kết quả cao.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tập trung chỉ đạo. Các TTHC được thường xuyên kiểm tra, rà soát và được công bố chuẩn hóa, niêm yết công khai; cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân được duy trì nền nếp.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp hoạt động có hiệu quả. Các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết, trả kết quả đúng hạn ngày càng cao hơn (năm 2022, tỉ lệ hồ sơ TTHC 3 cấp trả kết quả đúng hạn chỉ đạt tỉ lệ 93,37%, đến năm 2023, tỉ lệ trả kết quả đúng hạn đã đạt 99,63%); việc xin lỗi khi hồ sơ trễ hạn được tiến hành nghiêm túc và khắc phục nhanh... nên được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; các phần mềm quản lý, điều hành và xử lý công việc các cấp được tiếp tục đầu tư, nâng cấp và thay thế, đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước có hiệu quả; phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Việc chấn chỉnh nâng cao đạo đức công vụ, kiểm tra việc chấp hành nghiêm giờ làm việc và văn hóa công sở được thực hiện, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cán bộ, công chức làm công tác CCHC được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, thái độ phục vụ, cũng như đạo đức, công vụ, văn hóa công sở. Việc quản lý công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định; bổ sung biên chế kịp thời, bố trí người làm việc phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực đã được phê duyệt, đảm bảo số người làm việc.
Tỉnh đã từng bước đầu tư các nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng tiến độ; xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng phân hệ ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo; IOC phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. 100% TTHC mức độ 3,4 đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình đạt 71,3%.
Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần trong các chỉ số cấp tỉnh của tỉnh Quảng Trị được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao và xếp hạng cao trong các tỉnh thành phố, như: công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy (trong Chỉ số cải cách hành chính - PAR Index); tiếp cận dịch vụ và thái độ của công chức (trong Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính- SIPAS); công khai minh bạch và trách nhiệm với người dân (trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI); chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và chi phí không chính thức (trong Chỉ số năng lực cạnh tranh - PCI)...
Về hạn chế, tuy kết quả CCHC của tỉnh đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, như: việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích, hồ sơ toàn trình... trong tỉnh, nhất là cấp huyện, cấp xã tỉ lệ sử dụng vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu theo quy định (tỉ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 53,27% (quy định tối thiểu 60% của năm 2023); tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đạt 17,88% (quy định tối thiểu 30% của năm 2023). Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình mới chỉ đạt 71,3%: 41.940 hồ sơ/58.818 hồ sơ (quy định tối thiểu 80%).
Việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc cán bộ, công chức, viên chức còn chậm nên chưa đánh giá chính xác kết quả hoàn thành của cán bộ, công chức, viên chức.
Nguồn thu ngân sách hằng năm chưa ổn định; công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển các sở, ngành còn thấp và mức độ thu hút đầu tư của tỉnh còn hạn chế.
Kinh phí đầu tư về công tác CCHC của tỉnh cho các đơn vị còn hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư tập trung cho nhiệm vụ đột phá. Mô hình đô thị thông minh của Đông Hà, thị xã Quảng Trị và của các trung tâm huyện lỵ; Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh tuy đã được đề cập nhưng chưa xây dựng dự án khả thi.
Các chỉ số như: PAR Index, SIPAS, PAPI và PCI của tỉnh liên tiếp các năm gần đây sụt và giảm sâu trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể năm 2022: PAR Index xếp thứ 52, SIAPS xếp thứ 55, PAPI xếp thứ 37, PCI xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố.
Mặc dù kết quả xếp hạng các chỉ số trên của năm 2023 chưa được trung ương công bố (thường niên được công bố vào tháng 4 hằng năm), nhưng “chỉ số PAR INDEX và PAPI thuộc nhóm 20 các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước” theo mục tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy đề ra cần sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp mới đạt được.
- Ông cho biết những nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh Quảng Trị để đạt được mục tiêu đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới?
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, trong đó tập trung trách nhiệm của người đứng đầu về cam kết thực hiện đẩy mạnh CCHC, cải thiện chỉ số CCHC và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu về CCHC và tạo sự hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ về CCHC. Trong đó, xác định nhiệm vụ đột phá, mục tiêu cần ưu tiên để phân công rõ trách nhiệm và có lộ trình hoàn thành. Thực hiện phân tích chi tiết các tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số (PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI...) năm 2024; so sánh với các năm trước để xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 01- NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra.
Thứ ba, tiếp tục giáo dục nâng cao đạo đức công vụ trong tham mưu và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong giải quyết hồ sơ TTHC và giải quyết các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn cao, năng lực sáng tạo, đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng theo phương châm “Năm có, ba không” mà Chỉ thị số 35 ngày 11/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo (Có trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng; có tính sáng tạo, làm việc khoa học dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý thức kỷ luật tốt; có tư tưởng đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Không quan liêu; không có hành vi, thái độ tiêu cực trong thi hành công vụ; không chủ nghĩa cá nhân, thực dụng).
Thứ tư, các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tháo gỡ những “rào cản” về thể chế, cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp... nhằm tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động, phát triển; đồng thời góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân và tăng nguồn đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách địa phương.
Thứ năm, quan tâm đầu tư nguồn lực, áp dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; hiệu quả trong xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ người dân, doanh nghiệp và đảm bảo lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng chính phủ số, là tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra chuyên đề nhằm phát hiện các hạn chế, sớm chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác CCHC và các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ bảy, vận động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí và sự tham gia đồng hành của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan hành chính trên địa bàn; không chỉ giám sát mà còn phản ánh những gương người tốt, việc tốt, góp ý, chấn chỉnh những hành vi chưa tốt của các cán bộ, công chức, viên chức và công tác quản lý nhà nước, điều hành kinh tế - xã hội
Thực hiện tốt các giải pháp trên, chắc chắn mục tiêu đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả cao hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Quảng Trị
-
Thông tin về chính sách thu hút của tỉnh Quảng Trị trong lĩnh vực y tế đối với sinh viên tốt nghiệp năm 2024 (09/05/2024) -
Phòng tránh nguy cơ đuối nước ở trẻ em trong mùa hè (24/10/2022) -
Đảm bảo điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV với người tham gia bảo hiểm y tế (06/07/2022) -
“Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (06/07/2022) -
Hãy chung tay loại trừ sốt rét (06/07/2022) -
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3: Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao (06/07/2022)
- Quản lý nhà nước
- Nghiệp vụ Y
- Y tế dự phòng
- Cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng
- Cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế
- Cơ sở đủ điều kiện quan trắc môi trương lao động
- Cơ sở an toàn xét nghiệm sinh học
- Cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện chất là thuốc phiện
- Công bố hợp quy nước sạch sinh hoạt
- Nghiệp vụ Dược
- An toàn – Vệ sinh thực phẩm
- Trang thiết bị y tế
- Thanh tra Y tế
- Tài chính Y tế
- Thông tin Y tế
- Thủ tục hành chính
- Văn bản Y tế
- Chuyển đổi số
- Nghiên cứu khoa học
- Chiến lược, quy hoạch phát triển
- Thông tin dự án, mua sắm công
- Thông tin tuyển dụng
- Gương sáng ngành Y
- Thống kê Y tế
- Văn bản QPPL
- Thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 theo Công văn số 627/QLD-CL ngày 28/02/2024
- Thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 3 theo Công văn số 598/QLD-CL ngày 29/02/2024
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các đơn vị y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
- Thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm theo Công văn số 390/QLD-MP ngày 29/01/2024...
- Thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm theo Công văn số 389/QLD-MP ngày 06/02/2024...
- Hôm nay13
- Tháng hiện tại131
- Tổng lượt truy cập1.667.366