Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 5

  • Hôm nay 106

  • Tổng cộng 1.667.341

Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền về dân số và phát triển

Ngày đăng: 18-05-2023

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tổ chức hội nghị để quán triệt các quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại nghị quyết nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ, ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề phổ biến Nghị quyết 21 và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy “Về công tác dân số trong tình hình mới” cho hơn 1.500 đại biểu là bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; trưởng thôn, bản, khu phố và đại diện các ngành, đoàn thể ở khu dân cư.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU. Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển từ tỉnh đến cơ sở.

Công tác truyền thông, giáo dục về công tác dân số trong tình hình mới được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức khác nhau như: phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng, đăng tải, phát sóng các tin, bài, phóng sự về công tác dân số và phát triển.

Thông qua trang web của Sở Y tế, các trang mạng xã hội như: facebook Dân số Quảng Trị, trang fanpage “Dân số và Phát triển tỉnh Quảng Trị”, các trang facebook dân số tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hội thảo chuyên đề, hội nghị… giới thiệu, phổ biến nội dung Nghị quyết 21.

Phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn đưa nội dung dân số vào giảng dạy cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo chính trị tại trường. Các mô hình can thiệp truyền thông tại cộng đồng được duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động như: mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên triển khai tại 40 xã, phường, thị trấn; mô hình tư vấn, CSSK người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục triển khai tại 20 xã, phường, thị trấn; thành lập 40 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”; mô hình nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số và giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Hướng Hóa, Đakrông.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đa dạng, thuận tiện, an toàn, phù hợp với từng đối tượng. Hệ thống cung cấp dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số ngày càng mở rộng gắn với việc phân cấp cho các tuyến, nhất là tuyến cơ sở.

Đồng thời, tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Trường Đại học Y dược Huế thực hiện dịch vụ xét nghiệm sàng lọc cho các nhóm đối tượng miễn phí.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21, bên cạnh nguồn ngân sách trung ương từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số thì ngân sách địa phương dành cho công tác dân số năm sau cao hơn năm trước.

Cùng với đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ dân số thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đến nay 100% công chức dân số cấp tỉnh, viên chức dân số cấp huyện và 90% viên chức dân số cấp xã được đào tạo nghiệp vụ dân số cơ bản. Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, bác sĩ Trương Hữu Thiện cho biết: “Việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 21 đã được cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Hầu hết các mục tiêu dân số đề ra đều đạt tiến độ góp phần đáng kể vào việc phát triển KT-XH như: Tỉ suất sinh thô giảm từ 14,3%o (năm 2017) xuống còn 12,8%o (năm 2022); tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,84 con (năm 2017) xuống 2,39 con (năm 2022); tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%; tỉ số giới tính khi sinh 112,6 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2017) xuống còn 111,2 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2022); tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc năm 2022 đạt 41%; tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng từ 16,5% (năm 2017) lên 45,5% (năm 2022)…”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số ở tỉnh đang gặp một số khó khăn, hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở có lúc chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo. Mức sinh của tỉnh vẫn còn cao, tổng tỉ suất sinh là 2,39 con. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm trong năm 2021, 2022 nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1%/năm. Tỉ lệ sàng lọc sơ sinh còn thấp (25%).

Bác sĩ Trương Hữu Thiện cho biết thêm: “Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21, công tác dân số và phát triển tỉnh cần có những hướng đi, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể về công tác dân số và phát triển. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động về công tác dân số, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội và công nghệ số. Kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật dân số. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác dân số”.

Lệ Hà - Ngọc Trang