Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 9

  • Hôm nay 110

  • Tổng cộng 1.667.345

Ý kiến kết luận của Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thịnh tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2022

Ngày đăng: 20-07-2022

Ngày 12 tháng 7 năm 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thịnh chủ trì Hội nghị giao ban y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 với các phòng chuyên môn Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi và các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Sau khi nghe báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và ý kiến thảo luận của các đơn vị dự họp, BSCKII Trần Văn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế có ý kiến kết luận như sau:

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và trong đó tỉnh Quảng Trị cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Tính đến ngày 10/7/2022, tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin cơ bản cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ chưa cao (14,4%), tỷ lệ liều tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) cho người tử 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ thấp (72,1%), tỷ lệ tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trở lên đạt 12,2%, tiến độ tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) còn chậm. Nguyên nhân chính do nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em.

Bên cạnh đó, số ca Sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Dự báo số mắc COVID-19 và sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị ghi nhận sự gia tăng dịch tay chân miệng so với cùng kỳ năm 2021 trong thời gian gần đây, 01 trường hợp mắc dại và tử vong tại huyện Triệu Phong.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, tránh tình trạng dịch chồng dịch, Sở Y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố quyết liệt phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và dự phòng, điều trị Sốt xuất huyết. Nhằm tiếp tục duy trì triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch và các hoạt động y tế dự phòng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện các nội dung sau:

  1. Về kinh phí hỗ trợ duy trì kết quả đạt được của chương trình mục tiêu dân số giai đoạn 2016-2020 triển khai thực hiện năm 2022 và Kinh phí hỗ trợ các hoạt động chuyên môn năm 2022:

- Do Thông tư 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2020 nên hiện nay các đơn vị đang vướng quy định mục chi, mức chi của các chương trình mục tiêu dân số. Để tiếp tục triển khai hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyên môn được giao tại Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh duy trì và nâng cao kết quả các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu Y tế- Dân số (2016-2020) và hoạt động y tế khác trong giai đoạn 2021-2025, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tự cân đối, sắp xếp nguồn kinh phí đã được giao, xây dựng và quy định rõ nội dung chi tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo các quy định hiện hành. Có kế hoạch sử dụng điều chỉnh kinh phí kịp thời theo quy định.

- Các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn kinh phí được giao để mua sắm hóa chất, trang thiết bị (máy phun) phục vụ phòng, chống dịch Sốt xuất huyết; mua sắm thuốc, vật tư phục vụ công tác sơ cấp cứu theo quy định tại Trạm Y tế.

- Giao Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án quy định mức chi các nhiệm vụ thuộc CTMT-YTDS chuyển về nhiệm vụ chi thường xuyên báo cáo Sở Y tế trình Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời.

  1. Về công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết:

- Tập trung triển khai biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết từ cấp độ 0. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước diệt lăng quăng (bọ gậy), thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ  dân  phố,  thôn,  bản  và  cộng  đồng tham  gia các  hoạt  động  phòng  chống  dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham  gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

- Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

3. Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:

- Giao phòng Nghiệp vụ Y tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu: Hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Các đơn vị tiêm chủng tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 các đối tượng theo quy định tại các huyện thị xã, thành phố hiện không đồng đều nên đề nghị các đơn vị xem xét, nghiên cứu lại cách thức và các hình thức tổ chức tiêm chủng, đồng thời tăng cường công tác tham mưu chính quyền địa phương để huy động sự tham gia của tất cả các ban ngành, lực lượng tại địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác tiêm chủng và đạt hiệu quả.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động xác định số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ để tiếp nhận theo từng đợt phù hợp với điều kiện sử dụng tại địa phương nhằm đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí vắc xin trong quá trình tổ chức tiếp chủng; Trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng của các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu Sở Y tế phân bổ vắc xin hợp lý.

- Đối với vắc xin phòng COVID-19 hiện tồn do hết hạn sử dụng: Tiếp tục chờ hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

4. Các chương trình y tế khác: Các đơn vị y tế tuyến tỉnh khi triển khai các hoạt động chuyên môn tại cộng đồng thì phải được Sở y tế phê duyệt kế hoạch trước khi triển khai thực hiện. Giao Phòng Kế hoạch tài chính phối hợp phòng Nghiệp vụ y theo dõi, điều phối tránh chồng chéo các kế hoạch triển khai của tuyến tỉnh và tuyến huyện để thực hiện các hoạt động chuyên môn tại cộng đồng có hiệu quả, có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã.

5. Về báo cáo các chế độ liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19:  Để chủ động trong việc cấp kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo chính xác và kịp thời theo các văn bản hướng dẫn của Sở Y tế, chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo và đảm bảo đầy đủ hồ sơ chứng từ liên quan theo các văn bản quy định hiện hành.

Lan - Quỳnh