Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 9

  • Hôm nay 2947

  • Tổng cộng 1.698.757

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Ngày đăng: 21-02-2022

Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là: 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

 Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác sàng lọc, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai đồng loạt nhiều hoạt động như: xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử của huyện và trên hệ thống loa truyền thanh tuyến xã, thôn, khu dân cư; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Thông qua việc lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, người dân được cung cấp các sản phẩm truyền thông, tờ rơi, áp phích về đề án.

 

 Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức dân số, cộng tác viên dân số thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của sàng lọc, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có hàng chục ngàn đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng mới kết hôn, nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai...được tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

 Bác sĩ Nguyễn Hương Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc được tỉnh chú trọng. Đội ngũ cán bộ y tế của các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã, phường, thị trấn được bác sĩ của Trường Đại học Y dược Huế và các bác sĩ tuyến tỉnh tập huấn, cấp chứng chỉ kỹ thuật lấy máu sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Hàng trăm lượt cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số cũng được tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia sàng lọc”.


 Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, tỉ lệ sàng lọc tăng dần qua các năm, năm 2011 chỉ có 160/9.122 trẻ sinh ra được sàng lọc (chiếm tỉ lệ 1,75% so với tổng số trẻ sinh ra) và không có bà mẹ nào mang thai được sàng lọc. Nhưng đến năm 2020 đã có 2.358/9.338 trẻ sinh ra được sàng lọc (chiếm tỉ lệ 25,3% so với tổng số trẻ sinh ra) và 3.355/9.500 bà mẹ mang thai được sàng lọc (chiếm tỉ lệ 35,3% so với tổng số bà mẹ mang thai trong năm). Năm 2011, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai thí điểm tại 65 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố. Đến năm 2014, đề án được duy trì, mở rộng lên 141 xã, phường, thị trấn của 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Qua 10 năm thực hiện, đề án vẫn được tiếp tục duy trì nhằm phát hiện Hội chứng Down, Edwards, Patau ở thai phụ và thiếu men G6PD, thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Trong gần 10 năm đã có 17.231 thai phụ sàng lọc trước sinh, trong đó có 280 trường hợp có nguy cơ cao (chiếm tỉ lệ 1,6%), cụ thể: 241 trường hợp nghi ngờ Down và 39 trường hợp bất thường nhiễm sắc thể. Đã có 10.947 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 265 trường hợp có nguy cơ cao (chiếm tỉ lệ 2,4%), cụ thể 49 trẻ suy giáp bẩm sinh và 216 trẻ thiếu men G6PD. Sau khi sàng lọc, những trường hợp có nguy cơ cao được cán bộ y tế tư vấn đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

 Chị Trần Thị Minh Nguyệt ở Phường 1, thành phố Đông Hà cho biết: “Khi mang thai, tôi đã được cán bộ y tế tư vấn những lợi ích của việc sàng lọc. Sau khi lấy mẫu máu, kiểm tra độ mờ da gáy và được bác sĩ kết luận con tôi khỏe mạnh, tôi thấy yên tâm. Hiện tôi đang mang thai tuần thứ 37, đợi sinh xong, tôi sẽ nhờ bác sĩ sàng lọc cho cháu. Tôi thấy việc sàng lọc là rất cần thiết bởi con cái phát triển bình thường thì gia đình mới hạnh phúc”.

 Song song với việc thực hiện hoạt động sàng lọc miễn phí, Sở Y tế đã phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam thực hiện các gói dịch vụ sàng lọc dưới hình thức xã hội hóa để góp phần chuyển đổi dần nhận thức của cộng đồng, tự chi trả các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chương trình sàng lọc tại tỉnh Quảng Trị còn gặp không ít khó khăn, đó là hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện sàng lọc nên tỉ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được khám sàng lọc hằng năm còn thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng biển.

 Nhiều thai phụ đi khám thai chỉ với mục đích để biết giới tính hoặc đi không đúng thời điểm nên khó phát hiện các dị tật bẩm sinh. Hiện nay, còn rất nhiều đối tượng cần được sàng lọc nhưng số mẫu sàng lọc miễn phí của chương trình phân bổ về cho tỉnh có hạn. Bên cạnh đó, người dân còn chưa chủ động tham gia vào hoạt động xã hội hóa sàng lọc do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân chưa đủ khả năng để chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, trong đó có sức khỏe sinh sản.


  Trong thời gian tới, để đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của việc sàng lọc. Tăng cường công tác tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn, quản lý đối tượng cho cán bộ dân số, y tế. Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện dịch vụ sàng lọc cho các đối tượng yếu thế, ngành y tế-dân số tiếp tục hướng đến vận động xã hội hóa để người dân tự nguyện tham gia dịch vụ. Từ đó, mới có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Lệ Hà