Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 10

  • Hôm nay 62

  • Tổng cộng 1.702.081

Nỗ lực trong công tác khống chế bệnh lao

Ngày đăng: 24-03-2022

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KHUBND về phòng chống lao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, nhằm mục tiêu tăng tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao tối đa từ năm 2021- 2023 và sau đó giảm dần, hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2030… Duy trì mạng lưới phòng, chống lao, đảm bảo 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao trong đó tập trung đến khu vực miền núi, địa bàn khó khăn. Mở rộng hoạt động phòng, chống lao với sự tham gia mạnh mẽ của đoàn thể chính trị và chính quyền các cấp, toàn xã hội.

 

Khám và điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh

 “Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, việc triển khai công tác phòng, chống lao trên địa bàn được thực hiện thuận lợi hơn. Công tác phối hợp với chính quyền các địa phương trong thực hiện phòng, chống lao cũng dễ dàng hơn. Những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh vẫn triển khai thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa khám sàng lọc bệnh lao, vừa chăm sóc điều trị COVID-19. Các hoạt động phòng, chống lao tại cộng đồng đẩy mạnh thực hiện. Bệnh viện đã đưa máy móc về tận thôn bản đề thực hiện sàng lọc bệnh lao cho người dân, qua đó đã phát hiện được nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng. Thay vì thu dung điều trị nội trú tại bệnh viện như trước đây, để phù hợp với tình hình COVID-19, đơn vị đã phối hợp với các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã để điều trị ngoại trú cho tất cả bệnh nhân lao, góp phần hạn chế được nguồn lây ra cộng đồng”, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Trương Huyền Trường cho biết.

Cho đến nay, lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, KT - XH, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Theo báo cáo của WHO năm 2020, Việt Nam có hơn 172.000 người mắc bệnh lao và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường; 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị rất cao; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Trên cơ sở chủ đề của thế giới, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của COVID-19- Tập trung nguồn lực- Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Qua đó, nhấn mạnh năm 2022 sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao. Trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

 

Sáng lọc bênh lao tại cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện theo báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng... Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Nhờ triển khai Chiến lược 2X có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao. Nếu bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

 “Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24/3, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã có kế hoạch cụ thể trong tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Qua đó, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao, song song với phòng, chống COVID- 19 vì có nhiều điểm tương đồng được toàn dân quan tâm. Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao bằng cách đưa những câu chuyện thành công và chưa thành công của người bị bệnh lao và công tác chống lao ở tất cả các cơ sở y tế đến với cộng đồng dưới nhiều hình thức... Các nội dung chủ yếu được triển khai trong dịp này gồm tổ chức hoạt động truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3; phát động nhắn tin ủng hộ “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB”; treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức truyền thông trực tiếp cho bệnh nhân lao”, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Trương Huyền Trường thông tin thêm.

                                                                   Phan Thanh Hải