Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 6

  • Hôm nay 1187

  • Tổng cộng 1.641.368

Làm gì để phòng chống bệnh tay chân miệng

Ngày đăng: 09-04-2021

Bức tranh và các biểu hiện bệnh tay chân miệng

Những năm gần đây, dịch bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả mới nổi và tái nổi) liên tục xảy ra như COVID-19, sốt xuất huyết, bạch hầu, tay chân miệng,sốt rét,whitmore…là do môi trường sống, thời tiết thay đổi thất thường, đôi khi cực đoan, di biến động dân cư lớn làm cho mầm bệnh có điều kiện di chuyển theo.Trong số này, bệnh tay chân miệng nằm trong số các bệnh truyền nhiễm cần quan tâm vì số ca mắc lớn, xảy ra quanh năm, cao điểm là vào tháng 3-5 và tháng 9 -12, tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc tay chân miệng tích lũy năm 2020 trên địa bàn cả nước ghi nhận 78.063 xảy ra tại 60 tỉnh, thành phố, và có 01 ca tử vong xảy ra tại Bình Dương.

Tại Quảng Trị, năm 2020 ghi nhận 151 trường hợp mắc bệnh xảy ra tại các địa phương: Đông Hà 48 ca, Gio Linh 29 ca, Vĩnh Linh 27 ca, Hướng Hóa 17 ca, Triệu Phong 10 ca, Cam Lộ 09 ca, Hải Lăng 08 ca, Thị Xã Quảng Trị 02 ca, Đa krông 01 ca, không có tử vong; số ca mắc tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2019.

 

       Hình ảnh: Các dấu hiệu bị tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc bề mặt bị nhiễm phân. Nó cũng có thể lây truyền khi tiếp xúc với nước bọt, phân hoặc chất tiết đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh.Đặc trưng của bệnh là mụn nước hoặc vết loét trong miệng và phát ban trên bàn tay và bàn chân. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi nhỏ, nhất là học sinh ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong cộng đồng và không có thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, bệnh gây ra do nhiều typ virus, và không có miễn dịch chéo giữa các typ virus; tỷ lệ người lành mang trùng tới 70% tại các ổ dịch, thời gian thải trùng lên tới 6 tuần; cùng với đó là thói quen rửa tay thấp, tỷ lệ mang trùng cao ở người lớn, người chăm sóc trẻ.Vì vậy, nguy cơ gia dịch gia tăng và lan rộng trong thời gian tới và có thể xuất hiện những ổ dịch lớn, đặc biệt trong các trường học nếu không tích cực và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Giải pháp phòng chống bệnh

 Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, để hạn chế mức độ lây lan, kéo dài và ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng thì điều quan trọng là y tế các địa phương cần phổ biến các kiến thức cơ bản về triệu chứng, đối tượng nguy cơ nhiễm, và các biện pháp phòng bệnh cho các bà mẹ, giáo viên tại các trường học thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài địa phương; chú ý đến trường học. Thường xuyên tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường tại các nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế và hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn hướng dẫn các trường học hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh môi trường lớp học như lau sàn nhà, lau bàn ghế, đồ chơi của trẻ…bằng các chất tẩy rửa thông thường. Hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nấu ăn, chuấn bị thức ăn, trước và sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh,phân,chất thải của tre phải được thu gom, xử lý và đỗ vào nhà tiêu hợp vệ sinh..Không để trẻ đặt tay hay các vật thể lạ vào trong miệng. Thực hiện ăn chín, uông sôi để hạn chế các bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, trong đó có bệnh tay chân miệng, chú ý không nên đi bơi trong mùa dịch.Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe  chựt chẽ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho trẻ khác, và nếu có một trong các dấu hiệu sau cần đưa trẻ nhập viên ngay bất kỳ thời điểm nào như: sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ, ngủ ly bì, ngủ gà, giật mình, hốt hoảng; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay, chân hoặc co giật; vã mồ hôi; nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú; yếu tay chân; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái. Trẻ mắc bệnh cần được cách ly tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi tập trung nhiều trẻ em trong vòng 10-14 ngày đầu của bệnh.

 Ngoài ra, nhằm phát hiện sớm bệnh này ngành y tế cần chú trọng và tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các ổ dịch cũ, phối hợp tìm kiếm tích cực tại các cơ sở điều trị, các bệnh viện. Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh thông qua báo cáo theo thông tư 54/BYT và hướng dẫn thường quy về giám sát và xử lý bệnh tay chân miệng theo quyết định số 581/QĐ-BYT ngày 24/2 năm 2012 của Bộ Y tế. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế như bình phun, hóa chất để khoanh vùng và xử lý các ổ dịch không cho lây lan ra cộng đồng; lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu và gửi mẫu đi tuyến trên nhằm xác định tác nhân gây bệnh.

       Với mục tiêu phát hiện sớm ca bệnh, không để tử vong và dịch bệnh lan rông ra cộng đồng thì bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý đến các triệu chứng và cách phòng với căn bệnh này nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học hành của trẻ,  góp phần vào công tác bảo vệ và chăm sóc mầm non tương lai của đất nước.

          ThsBs Lê Thạnh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị