Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 8

  • Hôm nay 2941

  • Tổng cộng 1.701.857

Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Ngày đăng: 02-06-2022

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách đồng bộ. Đồng thời kêu gọi chính quyền các cấp, người dân nêu cao nhận thức, tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Kiểm tra, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.

Hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Tính từ ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên được phát hiện ở huyện Gio Linh ngày 17/1/2022 đến ngày 24/5, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 8 trường hợp mắc và nằm rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố.

Mặc dù số ca bệnh năm nay giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2021 (35 ca), tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta lơ là, chủ quan bởi thời điểm này bệnh sốt xuất huyết mới bắt đầu “vào mùa” và chỉ riêng trong tháng 5 đã ghi nhận 6 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch sốt xuất huyết và dự báo trong thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh lây truyền qua muỗi.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bám sát diễn biến tình hình tại các địa phương để tăng cường việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn; chủ động giám sát ca bệnh hằng ngày tại các bệnh viện và cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi biến động của véc tơ, vi rút Dengue tại các ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao; phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức cho Nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng bệnh; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước-là nơi muỗi truyền bệnh, đẻ trứng, phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh trong giai đoạn hiện nay. Bố trí phòng khám các ca bệnh sốt xuất huyết vào những khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh… nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong xảy ra.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh cơ bản, hiệu quả nhất đó là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, tất cả mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào chum, lu, vại, bể nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy. Thay nước trong bình hoa, bỏ muối vào chén nước kê chân cụi, giường, tủ để tránh lăng quăng. Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải gây đọng nước ở quanh nhà như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ. Giữ gìn nhà cửa thông thoáng để hạn chế nơi muỗi ẩn nấp… Đặc biệt, khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh sốt xuất huyết đã và đang được ngành Y tế Quảng Trị chủ động phòng chống một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vận động người dân nêu cao ý thức, tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường tại gia đình và khu dân cư để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng trước “mùa” sốt xuất huyết.