Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 6

  • Hôm nay 272

  • Tổng cộng 1.702.291

Giám sát cộng đồng nguy cơ cao trong thời gian Tết Nguyên Đán năm 2022

Ngày đăng: 26-01-2022

1. Tình hình dịch Covid- 19 trên thế giới

Tính đến 6 giờ sáng 25/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 354.271.632 ca, trong đó có 5.618.988 người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 280.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 66 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch..

2. Tình hình dịch ở Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.155.784 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.149.095 ca, trong đó có 1.838.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (512.871), Bình Dương (292.523), Hà Nội (111.428), Đồng Nai (99.686), Tây Ninh (87.289).

Bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.484 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.676 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 657 ca; Thở máy không xâm lấn: 139 ca; Thở máy xâm lấn: 631 ca; ECMO: 19 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 157 ca.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.884 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.903.505 mẫu tương đương 76.796.163 lượt người.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19: Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 176.429.307 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.894.694 liều, tiêm mũi 2 là 73.759.720 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 23.774.893 liều.

3. Tình hình dịch tại Quảng Trị

3.1. Tình hình số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh

- Năm 2020: toàn tỉnh ghi nhận tổng số ca mắc: 07; tổng số bình phục: 06; tổng số tử vong: 01 (mắc bệnh lý nền, suy kiệt).

- Năm 2021: (tích lũy đến ngày 24/01/2022) ghi nhận tổng số ca mắc: 4.030; tổng số xuất viện: 3.193; tổng số tử vong: 05.

3.2. Tình hình công tác điều trị

- Tính đến ngày 24/01/2022, số cơ sở điều trị COVID-19 là 13 cơ sở gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện YHCT và PHCN, Trụ sở đơn vị T51 (thuộc TTYT huyện Hướng Hóa), Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng, Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Trung tâm Y tế TP Đông Hà (03 cơ sở điều trị), Trung tâm Y tế huyện Gio Linh, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh, Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ.

- Tổng số bệnh nhân đang điều trị: 537, tình trạng bệnh nhân:

+ Nhẹ và không triệu chứng: 513 ca

+ Triệu chứng mức độ trung bình: 06 ca

+ Triệu chứng nặng oxy marsk, gọng kính: 14 ca

+ Triệu chứng nặng oxy dòng cao HFNC: 01 ca

+ Nguy kịch, thở máy xâm lấn: 03 ca

3.3. Kết quả tiêm chủng (đến hết ngày 23/01/2022)

Số người đã được tiêm: 458.622 người, đạt 100 %; trong đó: Số người tiêm đủ 2 mũi: 411.729 người (đạt 89,78%). Người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin là 157.793 người (đạt 92,48 %), người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin là 56.504 người (đạt 85,68%), trẻ em 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin 51.501 người (đạt 78,73%), tiêm đủ 2 liều vắc xin 30.029 (đạt 46%). Số người tiêm mũi nhắc lại 77.509 (đạt 16,90%).

3.4. Dự báo tình hình dịch tại Quảng Trị

- Dự báo: trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, ngày 25/1/2022 Sở Y tế đã ban hành Công văn số 153/SYT-NVY về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên Đán. Theo đó,kể từ ngày 22/1/2022 không cách ly người trở về từ các địa phương khác. Do đó, với lưu lượng người di chuyển trong dịp Tết Nguyên Đán, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh rất cao nên cần các biện pháp giám sát cộng đồng nguy cơ cao để kịp thời phát hiện cách ly, điều trị. Đồng thời, duy trì, củng cố năng lực thu dung, điều trị đảm bảo hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

III. MỤC TIÊU

1.Chủ động phát hiện sớm ca mắc trong cộng đồng, chú trọng các nhóm đối tượng nguy cơ cao để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

2. Duy trì mục tiêu thích ứng, an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch; tạo điều kiện cho công dân có đời sống ổn định, đón Tết Nguyên Đán.

IV. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN

Đối tượng:

Đối tượng thực hiện xét nghiệm giám sát (không chi trả chi phí):

Người chưa tiêm chủng đủ liều vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 trở về hoặc đến từ vùng dịch cấp độ 2 (ngoài tỉnh).

Người trở về từ vùng dịch cấp độ 3 (ngoài tỉnh).

Người có yếu tố dịch tễ[1] và có 02 trong các triệu chứng nghi nhiễm gồm: Sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

Nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10815/BYT-DP ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế: Người có bệnh nền có nguy cơ cao (theo danh mục bệnh nền kèm theo), người trên 50 tuổi đến 70 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi (Hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 1).

 Đối tượng xét nghiệm giám sát (tự chi trả chi phí xét nghiệm):

Không thuộc các đối tượng tại Mục 1.1 phần IV.

Người không cóyếu tố dịch tễ nhưng có triệu chứng nghi nhiễm gồm: Sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

Người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ quan, công sở, doanh nghiệp vận tải(gọi chung là cơ sở lao động), khu dịch vụ (bao gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, tiện ích) có kế hoạch tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ, ngẫu nhiên của đơn vị.

Khuyến khích tất cả người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Nếu có kết quả dương tính thì thông báo ngay cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, quản lý sức khỏe theo quy định.

Thời gian: Từ ngày 22/1/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Địa điểm:Triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

V. PHƯƠNG ÁN XÉT NGHIỆM

1. Tần suất xét nghiệm:

- Đối với người trở về từ vùng dịch thực hiện xét nghiệm vào ngày đầu khi trở về địa phương.

- Người có triệu chứng nghi nhiễm thực hiện xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

- Nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10815/BYT-DP ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế: Tần suất xét nghiệm thực hiện trên cơ sở cấp độ dịch để đảm bảo việc tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và báo cáo bằng văn bản cho Sở Y tế để quyết định với tần suất xét nghiệm định kỳ, ngẫu nhiên phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.

- Người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ quan, công sở, doanh nghiệp vận tải(gọi chung là cơ sở lao động), khu dịch vụ (bao gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, tiện ích):

+ Xây dựng Kế hoạch xét nghiệm sàng lọc bằng hình thức tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động hoặc hợp đồng với các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo văn bản công bố của Sở Y tế.

+ Nhóm đối tượng ưu tiên thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2: (i) xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ; (ii) xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; (iii) xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 (như lái xe chuyên chở hàng hóa, nhập, xuất hàng hóa…).

- Trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động. Nếu có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 Dương tính thì báo cáo ngay cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được quản lý, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

2. Phương pháp xét nghiệm:

Tùy theo nguồn lực xét nghiệm (số lượng Test kit, nhân lực, vật lực…), các đơn vị phối hợp thực hiện các phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, an toàn, hiệu quả theo chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Y tế:

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp;

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 mẫu gộp.

Phước Hiền