Chi tiết bài viết - Sở Y tế
- Tin tức - sự kiện
- Quản lý nhà nước
- Thông tin dự án, mua sắm công
- Gương sáng ngành y
- Nghiên cứu khoa học
- Chiến lược, QH, ĐH Phát triển
- Thông tin y học
- Văn bản pháp quy
- Thống kê y tế
- Thông báo
- Chuyển đổi số
- Người dân cần biết
-
Đang online 3
-
Hôm nay 724
Tổng cộng 1.699.640
Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tăng huyết áp
Ngày đăng: 15-04-2022
Cách đây 5 năm, trong đợt khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp do Trạm Y tế xã tổ chức, bà Đặng Thị Vương ở Vĩnh Giang, Vĩnh Linh phát hiện mình bị bệnh tăng huyết áp. Sau khi được quản lý, theo dõi, tư vấn tại Trạm Y tế, bà Vương đã chủ động sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp thường xuyên, chính nhờ vậy đến nay chỉ số huyết áp của bà Vương được ổn định. Bà Vương cho biết: “Cách đây 5 năm, tôi thấy trong người có các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, ù tai nên đã đến Trạm Y tế để khám sàng lọc. Sau khi kiểm tra các cán bộ y tế cho biết tôi bị bệnh tăng huyết áp và tư vấn cho tôi cách điều trị, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đối với người bị bệnh huyết áp. Từ đó đến nay, hàng ngày tôi vẫn uống thuốc huyết áp, áp dụng chế độ ăn giảm muối, đồng thời thường xuyên tập luyện thể dục nên huyết áp của tôi được ổn định ở mức bình thường”.
Kiểm tra huyết áp cho người dân tại TYT xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh.
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tâm trương) ≥ 90 mmHg. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào mặc dù bệnh đang khá nghiêm trọng. Rất ít người trong số họ có một số triệu chứng thường gặp của tăng huyết áp như đau đầu, khó thở. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng không rõ ràng và thường không xảy ra cho đến khi bệnh đã đạt đến giai đoạn nghiêm trọng hay có thể đe dọa tính mạng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỉ người trên phạm vi toàn cầu. Đây là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra của Viện tim mạch cho thấy cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, 1/3 người mắc bệnh tăng huyết áp không được điều trị, 2/3 người được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu, 50% số người mắc bệnh tăng huyết áp không biết tình trạng bệnh, tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở thành thị cao gấp 2 lần nông thôn. Nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức của người dân về sự thường gặp và mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực; những thói quen sinh hoạt không hợp lý của người dân đã tồn tại khá lâu; nhiều người bệnh chưa thực hiện điều trị bệnh một cách liên tục và lâu dài...
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị tính đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 20.141 bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lí, số bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện mới là 2.562 người, điều này chứng tỏ tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị tổ chức các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh tăng huyết áp trên địa bàn như phối hợp với các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về bệnh tăng huyết áp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, mít tinh, truyền thông lưu động; tiếp tục triển khai và duy trì hoạt động khám, sàng lọc chủ động để phát hiện sớm bệnh nhân tăng huyết áp định kỳ để có chiến lược theo dõi, điều trị và quản lí bệnh nhân; tổ chức các lớp tập huấn về dự phòng, chẩn đoán, điều trị, quản lí bệnh tăng huyết áp cho cán bộ y tế tuyến cơ sở;
Bác sỹ Võ Khắc Mạnh, khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị khuyến cáo: “Trong mùa dịch Covid-19, những người mắc bệnh tăng huyết áp cần chú trọng theo dõi, điều trị bệnh tăng huyết áp bởi khi họ mắc Covid-19 bệnh có thể diễn biến nhanh và nặng hơn so với người khỏe mạnh; người bệnh cần uống thuốc theo đơn, tuân thủ liều lượng, cách dùng và thời gian dùng thuốc; thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu và luôn giữ ấm cơ thể nhất là vào mùa lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh tăng huyết áp cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện tốt thông điệp 5K để phòng chống các biến chứng có thể xảy ra nếu không may mắc bệnh Covid-19”.
Để phòng chống bệnh tăng huyết áp mọi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng; giảm ăn mặn (ít hơn 5 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày). Bổ sung thêm rau xanh, hoa quả tươi, những món ăn này cung cấp vitamin và chất chống ô xy hóa, không chỉ giúp kiểm soát huyết áp mà còn ngăn ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no như thịt mỡ, nội tạng động vật,… duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể BMI (từ 18,5 đến 22,9 kg/m2, vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ). Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, các chất kích thích khác đồng thời tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp.
- Nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng cao (06/07/2022)
- Phương án phòng chống tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế năm 2022 (10/01/2023)
- Những nữ lương y vì sức khỏe của đồng bào (06/07/2022)
- Ngành Y tế nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân (06/07/2022)
- Hướng dẫn cấp hồ sơ hưởng chế độ BHXH đối với người lao động (09/01/2023)
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh Quảng Trị đứng thứ hai trong cả nước (06/07/2022)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại: 0233. 3852583 - Email: info@dohquangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
Ghi rõ nguồn https://soyt.quangtri.gov.vn khi sử dụng thông tin từ website này