Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Hướng Hóa tập trung chống “vỡ” mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên”

Những năm qua, huyện Hướng Hóa quan tâm duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên”. Nhờ vậy, chất lượng dân số trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, mô hình này ở địa phương vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều mô hình đã và đang có nguy cơ “vỡ”. Do đó, huyện tập trung nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện mô hình ít con, xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ.

Xã Thuận có gần 80% dân số là đồng bào DTTS phân bổ ở 8 thôn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, tình trạng sinh nhiều con phổ biến. Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, tháng 10/2004, huyện, xã chọn Bản 4 phát động xây dựng mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” nhưng đến tháng 10/2005 mô hình bị “vỡ” do có trường hợp cam kết nhưng vẫn sinh con thứ 3 trở lên.

Tương tự, tháng 12/2008, Bản 5 phát động xây dựng mô hình thì đến tháng 12/2008, mô hình ở thôn này bị “vỡ”. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn xã Thuận 6 tháng đầu năm 2023 là 27,6%, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Chị Trần Thị Thu Hiền, viên chức dân số xã Thuận cho biết: “Dù các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để xây dựng mô hình nhưng hầu hết các làng sau khi phát động trong một thời gian ngắn đều không thể duy trì. Tháng 10/2022, huyện, xã chọn thôn Thuận Hòa, một thôn có 100% dân tộc Kinh ở xã Thuận phát động mô hình để các thôn người đồng bào DTTS học tập và làm theo. Sau hơn 10 tháng phát động, mô hình chưa có trường hợp nào vi phạm cam kết sinh con thứ 3 trở lên”.

Tính đến nay, toàn huyện có 66 thôn phát động xây dựng mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên”, trong đó có 8 thôn được UBND tỉnh khen thưởng duy trì tốt 3 năm, 2 thôn được khen thưởng duy duy trì tốt 5 năm. Hiện tại chỉ có 6 thôn duy trì được mô hình, còn lại 52 thôn bị “vỡ”. Các mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” bị “vỡ” do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là tư tưởng lạc hậu “sinh con trai nối dõi tông đường”, “đông con đông của”... ăn sâu vào suy nghĩ của người dân nơi đây.

Một số chị em người DTTS chưa có quyền quyết định trong thực hiện các biện pháp tránh thai, còn phụ thuộc sự quyết định của người chồng và người thân. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng không thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại mà để sinh đẻ một cách tự nhiên dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên phổ biến.

Chị H.T.M, sinh năm 1986 ở thôn Thuận 4 (sáp nhập từ Bản 5 và thôn Thuận Trung) có 4 lần sinh với 5 người con, trong đó có 4 gái, 1 trai. Con đông, cả nhà chỉ trông chờ vào 1 ha sắn, vài chục gốc chuối trong vườn nhà nên cuộc sống của gia đình chị luôn thiếu thốn. Hai người con gái đầu (song sinh) sau khi học hết THPT do bố mẹ không có điều kiện cho đi học nghề, một người đã lấy chồng, một người không có việc làm nên ở nhà phụ bố mẹ làm rẫy. Các con còn lại của chị đang học phổ thông. Chị M. chia sẻ: “Biết là con đông vất vả lắm nhưng ở thôn hiếm có vợ chồng nào đẻ 2, 3 con. Ai cũng muốn có “nếp, có tẻ’. Như vợ chồng tôi, đẻ 3 gái đầu cũng mong có con trai để “nối dõi tông đường”. Sau lần này, thấy con cái lớn lên trong thiếu thốn, sức khỏe của vợ chồng tôi ngày càng giảm sút nên chúng tôi quyết tâm không đẻ nữa. Tôi khuyên nhủ các cặp vợ chồng trẻ trong thôn tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Trước thực trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS ngày càng gia tăng, nhiều mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” bị “vỡ”, khó duy trì, Trung tâm Y tế huyện tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình sinh ít con.

Triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho các xã vùng chiến dịch và thực hiện các đề án về dân số. Kiện toàn, duy trì hoạt động 4 câu lạc bộ tiền hôn nhân ở thị trấn Lao Bảo, các xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Hợp. Tiếp tục xây dựng và duy trì mô hình “Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Đồng thời, có công văn đề nghị ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, giám sát và phối hợp với ban điều hành thôn để tiếp tục tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời phương tiện tránh thai cho các đối tượng thực hiện đúng với cam kết tại các thôn đang duy trì mô hình; báo cáo kết quả thực hiện việc phát động và duy trì mô hình, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, bác sĩ Trương Thị Thu Thủy cho biết: “Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện Hướng Hóa đang ở mức cao (cuối năm 2022 là 32%; 6 tháng đầu năm 2023 là 28%). Do đó, thực hiện tốt mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên” là một trong những giải pháp được huyện ưu tiên thực hiện. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu với BCĐ công tác Dân số và Phát triển huyện giao chỉ tiêu phát động mô hình này cho các địa phương; chỉ đạo trạm y tế thực hiện rà soát các thôn có đủ tiêu chuẩn để tham mưu BCĐ công tác dân số xã, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình. Để duy trì thành công mô hình sau phát động, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh thêm con thứ 3 trở lên như đã ký cam kết; nâng cao vai trò trách nhiệm của ban điều hành thôn trong việc duy trì mô hình sau phát động. Ưu tiên tuyên truyền và cung cấp phương tiện tránh thai cho nhóm đối tượng đích và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có con một bề. Đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện chính sách dân số “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt nhằm lan tỏa, nhân rộng và thực hiện có hiệu quả mô hình”.

Lệ Hà -  Ngọc Trang

More
Thống kê
  • Hôm nay32
  • Tháng hiện tại2132
  • Tổng lượt truy cập1.695.560
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ