Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 798

Tổng lượt truy cập: 1.529.417

Tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái có cuộc sống an toàn, bình đẳng, khỏe mạnh

Post date: 26/03/2022

Nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020 bác sĩ TRƯƠNG HỮU THIỆN, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã có cuộc trao đổi về chủ đề: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”.

- Thưa bác sĩ! Đề nghị bác sĩ cho biết, hướng đến Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020, thời gian qua Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai những hoạt động gì?

 

- Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục Dân số - KHHGĐ về chủ đề và nội dung hoạt động, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức truyền thông hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới với các hoạt động như phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Website Sở Y tế…đăng tải các tin, bài, phóng sự, chuyên mục phản ánh, tuyên truyền về chủ đề, thông điệp Ngày Dân số Thế giới 11/7.

 

Tăng cường việc khai thác và sử dụng các thế mạnh của các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay nhằm tạo cơ hội để người dân được tiếp cận với thông tin, chính sách về dân số - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước. Hướng dẫn trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới như phối hợp với trung tâm văn hóa thông tin - thể dục thể thao tổ chức tuyên truyền lưu động, đăng tải và phát các tin, bài trên đài truyền thanh huyện, treo băng rôn tại các khu đông dân cư; truyền thông qua các kênh mạng xã hội. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho các nhóm đối tượng đặc thù, lồng ghép tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho các đối tượng có nhu cầu tại trạm y tế xã, phường. Tuyên truyền thông điệp Ngày Dân số Thế giới 11/7 vào các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ, mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn. Lồng ghép hoạt động truyền thông hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới với hội nghị sơ kết chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ, sơ kết công tác dân số - KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2020.

 

 

- Những chương trình, đề án, hoạt động gì của ngành y tế - dân số đã triển khai trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái, thưa bác sĩ?

 

- Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương, khi thiên tai, đại dịch xảy ra thì những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Việc đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ góp phần duy trì hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng. Vì vậy thời gian qua, quá trình triển khai các chương trình, đề án, hoạt động, ngành y tế - dân số trong toàn tỉnh luôn ưu tiên đến nhóm đối tượng này.Những hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số bước đầu đã phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng về CSSKSS cho phụ nữ và trẻ em gái. Điển hình như đề án “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” đến nay đã triển khai tại 34 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố và thành lập được 170 câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” thu hút khoảng 9.000 nam, nữ thanh niên sống tại cộng đồng tham gia sinh hoạt. Đề án nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tại 30 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Trong khuôn khổ hoạt động của đề án, đã thành lập các điểm truyền thông tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú để thường xuyên cung cấp các tài liệu hướng dẫn về kỹ năng CSSKSS vị thành niên, thanh niên và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm mục đích tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội tiếp cận các thông tin về CSSKSS/KHHGĐ.Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh hoạt động của đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”. Từ năm 2011 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Trường Đại học Y dược Huế triển khai lấy mẫu máu sàng lọc cho trẻ sơ sinh và bà mẹ mang thai nhằm xét nghiệm, phát hiện sớm các tật, bệnh bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

 

Cùng với nguồn ngân sách chương trình mục tiêu y tế - dân số và sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo Nghị quyết 11/2017/ NQ-HĐND tỉnh, hằng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em gái; tư vấn về lợi ích của hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho hàng nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sống tại cộng đồng; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cung cấp kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và CSSKSS cho học sinh. Quá trình triển khai thực hiện, các mô hình, đề án trên đã phát huy hiệu quả. Vừa qua, COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, trong đó phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương nhất. Việc cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc SKSS gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã nỗ lực cung ứng kịp thời các phương tiện tránh thai tới tận các đối tượng, từ đó vẫn duy trì khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc SKSS và hạn chế việc có thai ngoài ý muốn.

 

- Bác sĩ cho biết, thời gian tới Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh có những kế hoạch, giải pháp gì đối với việc chăm sóc, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái?

 

- Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức các hoạt động tuyên truyền tới tận đối tượng. Duy trì, nhân rộng có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như đưa nội dung giáo dục SKSS vị thành niên vào hệ thống trường học thông qua các chương trình sinh hoạt ngoại khóa. Tiếp tục duy trì hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tăng cường các hoạt động truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bình đẳng giới cũng như đẩy mạnh xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Cung ứng các phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới tận tay người dân một cách kịp thời, an toàn và chất lượng.

 

Việc chăm sóc, bảo vệ quyền và sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Chính vì vậy, chúng ta hãy tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái có một cuộc sống an toàn, bình đẳng và khỏe mạnh.

 

- Xin cảm ơn bác sĩ!

 Lệ Hà

More