Chi tiết tin - Sở Y tế

Sơ kết 5 năm (2017-2022) thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới

A- BÁO CÁO SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TW NGÀY 25/10/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI PHỔ BIẾN, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW

Triển khai xây dựng và thực hiên các Kế hoạch: Kế hoạch duy trì và nâng cao kết quả các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số (2016-2020) và hoạt động y tế khác trong giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đảm bảo tài chính giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch phòng chống bệnh lao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch phòng chống mù lòa...

II. KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN NQ 20-NQ/TW (2017-2022)

1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại địa phương

TT

Chỉ số

Mục tiêu 2025

Mục tiêu 2030

Thực hiện

6 tháng/2022

Ước thực hiện năm 2022

Tỷ lệ trẻ em < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ  các loại vắc xin (%)

> 95,5% với 8 loại vắc xin

> 95,5% với 8 loại vắc xin

45% với 8 loại vắc xin

96% với 8 loại vắc xin

Tỷ suất tử vong trẻ em

< 5 tuổi (%0)

7%0

7%0

3.1%0

3.7%0

Tỷ suất tử vong trẻ em

< 1 tuổi (%0)

5.5%0

5.5%0

2.7%0

3.2%0

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ < 5 tuổi (%)

< 23%
(Miền núi

< 25%)

< 21%
(Miền núi <
23%)

Chưa có số liệu

Chưa có số liệu

Tỷ lệ TYT xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm (%)

95

98

22/125 (17,6%)

17,6

Số giường bệnh/10.000 dân

35

37

32

32

Số bác sỹ/10.000 dân

11

12

>10

>10

Số dược sỹ đại học/10.000 dân

2

2,5

1,25

1,25

Số điều dưỡng/10.000 dân

30

33

13,9

13,9

Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét vào năm 2030

-

Số ca nhiễm mới HIV/100.000 dân

3/100.000 dân

1/100.000 dân

1/100.000 dân

2/100.000 dân

-

Số ca mắc mới sốt rét/100.000 dân

<0.005/1000 dân

0

0

< 0.01/1000 dân

-

Số ca mắc mới lao/100.000 dân

113/100.000 dân

< 20 /100.000 dân

79/100.000 dân

124/100.000 dân

2. Kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp

a) Việc chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, đề án và các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao sức khỏe tại địa phương:

Ngành Y tế xác định Nghị quyết số 20-NQ/TW là các văn kiện quan trọng của Đảng, định hướng cho Ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Các quan điểm, nội dung chỉ đạo, mục tiêu cũng như nhiệm vụ và giải pháp trong văn kiện nhằm hoàn thiện hệ thống y tế nước ta về chất và lượng, đảm ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân về chăm sóc sức khỏe. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngành Y tế đã thực hiện công tác tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, kết quả thực hiện:

- Đảng ủy tham gia học tập các lớp phổ biến thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW do TW, Ban tuyên giáo tỉnh ủy và Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh tổ chức.

- Phối hợp tổ chức triển khai, phổ biến và quán triệt các nội dung thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW với các Sở, ban ngành và các Chi bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn ngành.

- Đối với nhân dân: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền, vận động thích hợp để phổ biến các quan điểm, mục tiêu  giải pháp của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được thể hiện trong Nghị quyết. Tổ chức truyền thông giáo dục bằng nhiều hình thức, phổ biến  các kiến thức, kỹ năng để mọi người, mọi gia đình và cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, hạn chế các thói quen, hành vi có hại cho sức khỏe, thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.                                                                            

b) Các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe được đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển của địa phương: Hàng năm, Ngành Y tế đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hoạt động với các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan tham mưu trình UBND tỉnh và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh  ban hành trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh, gồm các chỉ tiêu như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ < 5 tuổi, Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ < 1 tuổi, Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế,...

2.2. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết

a) Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở:

- Củng cố tổ chức bộ máy y tế địa phương:

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, trong những năm qua, ngành Y tế đã triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Trị.

+ Tuyến tỉnh: Năm 2018, sắp xếp hợp nhất Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC); Năm 2019, nâng cấp và đổi tên Trung tâm Mắt thành Bệnh viện Mắt; Đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thành Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh.

+ Tuyến huyện: Năm 2019, sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc UBND cấp huyện vào Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình. Năm 2019, thành lập cơ sở 2 điều trị trực thuộc 2 Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong và Trung tâm Y tế huyện Đakrông trên cơ sở nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực Bồ Bản và Phòng khám Đa khoa khu vực Tà Rụt, bảo đảm đủ điều kiện khám chữa bệnh vùng sâu vùng xa theo quy định của pháp luật.

+ Tuyến xã: Năm 2020, tiến hành tổ chức lại, sáp nhập Trạm Y tế các xã, thị trấn thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện sau khi UBTV Quốc hội tiến hành sáp nhập các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau khi sáp nhập, số Trạm Y tế xã, thị trấn giảm từ 141 xuống 125 Trạm Y tế; đồng thời triển khai sắp xếp, ổn định nhân sự tại các Trạm Y tế xã bảo đảm số lượng theo quy định.

   Như vậy, so với thời điểm năm 2015, ngành Y tế có 36 đơn vị trực thuộc, sau khi triển khai sắp xếp, đến thời điển tháng 12/2021, còn lại 22 đơn vị trực thuộc, giảm 14 đơn vị sự nghiệp; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đã đi vào ổn định, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua.

+ Việc đảm bảo cung ứng thuốc:

Năm 2020, 2021 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh, đồng thời để đảm bảo bình ổn giá thuốc trong phòng chống dịch bệnh, tránh hiện tượng tích trữ hàng, đẩy giá thuốc lên cao, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp dược dự báo nhu cầu, chủ động nguồn cung ứng đối với các loại thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cho nhân dân trên địa bàn. Sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có nhu cầu mua thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao, cụ thể gồm các hoạt động:

Sở Y tế đã ban hành các văn bản: Công văn số 97/SYT-NVD ngày 02/2/2020 về đảm bảo cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Corona; Công văn số 1192/SYT-NVD ngày 13/8/2020 về việc đảm bảo cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1567/SYT-NVD ngày 13/10/2020 về đảm bảo cung ứng và bình ổn giá thuốc chữa bệnh trong thời gian bão lụt trên địa bàn tỉnh; Công văn số 45/SYT-NVD ngày 12/01/2021 về đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp tết nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 1364/SYT-NVD ngày 16/7/2021 và số 355/SYT-NVD ngày 15/3/2021 về việc đảm bảo cung ứng thuốc; Công văn số 1425/SYT-NVD ngày 22/7/2021 về việc bình ổn giá thuốc cổ truyền, dược liệu trong điều trị COVID-19; Công văn số 1489/SYT-NVD ngày 28/7/2021, số 1576/SYT-NVD ngày 05/8/2021 về đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19; Công văn số 1574/SYT-NVD ngày 05/8/2021 về việc tăng cường tồn trữ thuốc phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 1627/SYT-NVD ngày 10/8/2021 của Sở Y tế về việc đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19; Báo cáo số 277/BC-SYT ngày 5/10/2021 về đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống COVID-19; Công văn số 112/SYT-NVD ngày 18/01/2022 về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022; Công văn số 846/SYT-NVD ngày 10/5/2022 về việc đảm bảo cung ứng thuốc tiêm chứa Dopamin HCl 4%.

+ Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT tại Trạm Y tế xã:

Nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ở tuyến y tế cơ sở đặc biệt là Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nói chung, chất lượng KCB BHYT nói riêng luôn được Sở Y tế quan tâm nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân và góp phần giúp người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, theo đó chất lượng phục vụ KCB cho nhân dân ngày càng được cải thiện; Việc mở rộng hoạt động KCB BHYT ban đầu đến các Trạm Y tế tuyến xã, phường, thị trấn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí đi lại cho người bệnh.

Cùng với sự gia tăng các đối tượng tham gia và nhu cầu KCB BHYT trên địa bàn, ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng KCB BHYT như: thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà trong đón tiếp, KCB và thanh toán chi phí khám chữa bệnh với người bệnh có thẻ BHYT; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; đầu tư nhân lực và các trang thiết bị,...

+ Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực tuyến y tế cơ sở:

Thực hiện chính sách đào tạo:

- Đào tạo Sau đại học: Đến năm 2021, ngành Y tế có 157 công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học, trong đó: Tiến sĩ: 02 người, CKII: 23 người, Bác sĩ nội trú: 10 người, Thạc sĩ: 11 người, CKI: 111 người, cụ thể phân bổ theo các năm như sau: năm 2013: 38 người, năm 2014: 31 người, năm 2015: 13 người, năm 2016: 14 người, năm 2017: 13 người, năm 2018: 27 người năm 2019: 21 người. Năm 2020, dừng hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học do hết giai đoạn của Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND. UBND tỉnh có Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND quy định đào tạo sau đại học tự túc kinh phí hoặc đơn vị sư nghiệp hỗ trợ (không dùng ngân sách). Kinh phí đào tạo tiến sĩ, CKII là 2.250.000.000đ; bác sĩ nội trú là 700.000.000đ Thạc sĩ, CKI là 4.880.000.000, tổng kinh phí ước tính: 7.830.000.000 đồng. Đến nay, ngành có 293 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học, chiếm 8,5% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Đào tạo Đại học: Về công tác đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học chính quy: Từ năm 2009 đến năm 2019: Bác sĩ đa khoa trường công lập: 36 người, Bác sĩ đa khoa trường dân lập: 30 người, Bác sĩ y học cổ truyền trường công lập: 18 người, Bác sĩ y học dự phòng công lập: 15 người và Dược sĩ đại học trường dân lập: 01 người. Tổng cộng: 100 người. Từ năm 2016 trở đi, dừng hỗ trợ kinh phí đào tạo bác sĩ, dược sĩ chính quy do thời gian đào tạo quá dài, không còn phù hợp với thời gian của Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND. Như vậy, so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, đào tạo bác sĩ điều trị là 84/250, đạt 33,6%; Đào tạo bác sĩ y học dự phòng là 15/50 đạt 30%; Đào tạo dược sĩ đại học 01/50 đạt 2%. Đào tạo bác sĩ trường công lập là 4.140.000.000đ; Đào tạo bác sĩ trường dân lập là 8.370.000.000đ. Tổng kinh phí là 12.510.000.000đ.

Đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học liên thông: Thực hiện Nghị quyết số 04/2009/NQ-HĐND ngày 24/4/2009 tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ từ năm 2009 đến năm 2020  đào tạo: 150 bác sĩ hệ chuyên tu, 50 dược sĩ hệ chuyên tu. Triển khai đào tạo được: Bác sĩ đa khoa: 90 người; Bác sĩ y học cổ truyền: 46 người; Bác sĩ y học dự phòng: 02 người; Dược sĩ đại học: 31 người. Tổng cộng: 169 người. Như vậy, so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 04/2009/NQ-HĐND,  Đào tạo bác sĩ chuyên tu là 144/150 đạt 96%, Đào tạo dược sĩ chuyên tu 31/50 đạt 62%. Kinh phí ước tính là 8.450.000.000 đồng.

- Triển khai các hoạt động phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở:

+ Hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng:

  • Duy trì 100% bệnh tâm thần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; 100% bệnh nhân tâm thần được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng; 100% bệnh nhân ổn định; Tỷ lệ quản lý bệnh nhân: 100%.
  • Giai đoạn từ 2016-2020 đã tổ chức tập huấn chuyên môn tuyến huyện: 25 lớp, tuyến xã: 50 lớp; tập huấn mô hình và triển khai hoạt động xã điểm: 08 lớp/8 xã.
  • Kiểm tra giám sát hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần: 800 lượt.
  • Truyền thông về ngày Sức khỏe tâm thần thế giới thông qua kênh truyền hình địa phương, băng rôn, nói chuyện chuyên đề…

+ Hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường và phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt:

  • Dự án phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được triển khai từ năm 2010. Hàng năm, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị tiến hành khám sàng lọc phát hiện Đái tháo đường cho khoảng 1.200 đối tượng/năm, điển hình như năm 2019 phát hiện người mắc bệnh ĐTĐ (4,1%) và tiền ĐTD (14.1%), tỷ lệ bệnh ĐTĐ tại tỉnh tương đương tỷ lệ bệnh trên toàn quốc năm 2015.
  • Triển khai 29 đợt khám sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm trường hợp tiền Đái tháo đường, đái tháo đường trong cộng đồng.
  • Phối hợp các đơn vị tổ chức tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường và phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt: 26 tin, bài, 18 panô.
  • 100% cán bộ y tế trong quản lý bệnh đái tháo đường; phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt từ tuyến huyện, tuyến xã được đào tạo về chuyên môn. Các cán bộ tham gia hoạt động được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý và điều trị đối tượng nguy cơ đái tháo đường. Năm 2019, 2020  triển khai chương trình "cùng sống khỏe" khám phát hiện bệnh đái tháo đường các xã, thị trấn.
  • Giám sát chất lượng muối và sử dụng muối tại hộ gia đình các xã thị trấn trên địa bàn theo kế hoạch.
  • Đã triển khai mô hình quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại 25 Trạm Y tế xã, thị trấn (trước mắt chủ yếu quản lý về bệnh Tăng huyết áp) tại huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông, TP. Đông Hà, Hải Lăng.
  • Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin phát bài qua hệ thống loa phát thanh huyện, cấp và treo băng rôn tuyên truyền phòng chống bướu cổ, tổ chức truyền thông lưu động.
  • Cấp kít thử muối I ốt và phụ thử muối I ốt cho xã, phường, thị trấn, triển khai chiến dịch hưởng ứng ngày toàn dân sử dụng muối I ốt; triển khai tuyên truyền và phát thanh thông qua hệ thống phát thanh của thôn, khu phố tại các xã, thị trấn.

+ Hoạt động phòng, chống ung thư:

  • Hoạt động phòng chống ung thư triển khai vào năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21-55 tuổi đã có gia đình theo phương pháp nhuộm Giemsa, phương pháp VIA (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch Acid acetic 5%), mỗi năm sàng lọc hơn 200 phụ nữ, phát hiện những đối tượng nghi ngờ sẽ hướng dẫn lên tuyến trên để được khám và tư vấn chuyên khoa.
  • Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng và quản lý ung thư tại tuyến cơ sở: 100% cán bộ y tế trong quản lý bệnh ung thư tuyến huyện, xã được đào tạo về chuyên môn.
  • Tổ chức tập huấn về kiến thức phòng, chống bệnh ung thư cho cán bộ y tế thôn. Triển khai tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh xã, thôn: 132 lượt.
  • Thực hiện nói chuyện chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh ung thư, các biện pháp dự phòng bệnh ung thư trong cộng đồng.

+ Hoạt động phòng, chống tim mạch:

  • Tổ chức 35 đợt khám sàng lọc Tăng huyết áp để phát hiện và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Triển khai hoạt động tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp 17/5 hàng năm thông qua các hình thức phát thanh (1.527 lượt), truyền thông trực tiếp (7.899 lượt), treo băng rôn (336 lần)...
  • Phối hợp tổ chức 44 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các bộ Y tế tuyến cơ sở về chuẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh Tăng huyết áp.
  • Phối hợp Viện tim mạch tổ chức khám sàng lọc Tim mạch tại 09 điểm năm 2018. Thực hiện giám sát hoạt động phòng chống bệnh tim mạch trên địa bàn tỉnh.
  • Đã triển khai được mô hình quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại 9 Trạm Y tế xã, thị trấn (trước mắt chủ yếu quản lý về bệnh Tăng huyết áp) tại huyện Cam Lộ.
  • Cấp phát pano, tờ rơi và các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế xã, theo Quyết định số 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/2019 của Bộ Y tế cho tuyến cơ sở.
  • Triển khai báo cáo file điện tử bệnh không lây nhiễm theo quy định chế độ báo cáo của thông tư 37/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ Y tế.

- Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh:

+ Phòng chống dịch bệnh COVID-19:

  • Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Ngành Y tế đã triển khai thực hiện các hoạt động cấp bách để đối phó với từng cấp độ dịch: công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các hoạt động, cụ thể:
  • Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh theo diễn biến dịch bệnh: Công văn số 1385/UBND-VX ngày 24/4/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; Kế hoạch số 56/KH-SYT ngày 12/7/2021 về đào tạo chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 năm 2021 và tổ chức tập huấn cho các đơn vị; Kế hoạch triển khai, giám sát tiêm vắc xin phòng COVID-19 các đợt trong năm 2021 tỉnh Quảng Trị; các văn bản về tiếp tục theo dõi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, Sở Y tế cũng đã tham mưu các văn bản triển khai thực hiện Kế hoạch về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Quảng Trị; các Quyết định về áp dụng biện pháp cách ly tập trung, công văn cập nhật các địa điểm nguy cơ,… Sở Y tế đã ban hành các văn bản, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hành các tin, bài truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19.
  • Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai báo điện tử, quản lý đối tượng nguy cơ. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy trình phân loại, phân luồng và cách ly theo quy định, tăng cường công tác khám sàng lọc, chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị tích cực bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế
  • Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các thành viên, tổ chức trực tại các đơn vị. Chuẩn bị nhân lực, tài lực, vật lực sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tổ chức giám sát, điều tra, lấy mẫu và xử lý theo tình huống. Duy trì hoạt động các đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
  • Phối hợp Viện Pasteur Nha Trang thẩm định Phòng Xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị.
  • Kết quả:

 Tình hình dịch bệnh COVID-19: Số cộng dồn từ năm 2020 đến ngày 14/8/2022: 84.455 TH mắc COVID-19 (F0), 53 TH tử vong (Trong đó, năm 2020: 07 TH mắc, 01 TH tử vong; Năm 2021: 2.237 TH mắc, 03 TH tử vong; Năm 2022 (tính đến ngày 14/8/2022: 82.211 TH mắc, 49 TH tử vong)). Tổng số bệnh nhân (BN) F0 hiện đang điều trị tại các cơ sở điều trị tính đến ngày 14/8/2022: 52 BN, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (24BN), Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (18 BN), Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong (05 BN), Bệnh viện CK Lao và Bệnh phổi (03 BN), Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (02 BN). Trong 52 TH đang cách ly điều trị tại cơ sở y tế, có 03 trường hợp có triệu chứng nặng. Tổng số bệnh nhân F0 hiện đang điều trị tại nhà tính đến ngày 14/8/2022: 144 bệnh nhân.

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: (Tính đến ngày 31/5/2022): Tổng số người từ 18 tuổi trở lên: 452.108 người, trong đó Số người đã hoàn thành liều cơ bản: 431.028 (đạt 95,3%); Số người tiêm mũi bổ sung nhắc lại: 340.491 (đạt 75,3%). Tổng số người từ 12 đến dưới 18 tuổi: 65.970 người, trong đó Số người đã hoàn thành mũi cơ bản: 62.046 người, đạt tỷ lệ: 94%. Tổng số người từ 5 đến dưới 12 tuổi: 81.537 người, trong đó Số người được mũi 1: 29.762 người (đạt 36,5%), mũi 2 đạt 2,06%.

+ Phòng, chống các dịch bệnh khác:

Ngành Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch (PCD) chung và các dịch bệnh như: Sốt xuất huyết Dengue, Cúm A/H5N1, A/H7N9, Tay chân miệng, Sởi-Rubella, Dại; Phòng, chống dịch bệnh Mùa Hè-Thu, phòng chống dịch bệnh nhân các ngày Lễ lớn trong năm,... Đồng thời, ngành Y tế cũng đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người,…

Sở Y tế đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống nên đã phát hiện sớm và xử lý kịp thời, khống chế hiệu quả như: Ban hành các văn bản chỉ đạo tuyến, kế hoạch phối hợp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức giám sát, ghi nhận, điều tra và xác minh các ca bệnh tích cực; Đáp ứng nhanh, điều tra xác minh, xử lý ổ dịch và tổ chức triển khai các biện pháp đáp ứng dịch khi có thông tin ca bệnh ghi nhận; Rà soát và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch, lụt bão, thiên tai...

b) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trang quá tải bệnh viện:

- Tình hình thực hiện chính sách KCB BHYT của địa phương: Sở Y tế thường xuyên phối hợp với BHXH tỉnh trong triển khai tổ chức thực hiện chính sách BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp với BHXH tỉnh và Công an tỉnh tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại các cơ sở KCB BHYT; định kỳ sơ kết, tổng kết công tác KCB BHYT, công tác kiểm tra liên ngành; phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, Sở Tài chính trong việc tham mưu với UBND tỉnh giao dự toán chi KCB cho các cơ sở KCB BHYT để chủ động trong việc sử dụng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác KCB BHYT có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ước tính tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 là 96,5%.

- Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế của địa phương để đảm bảo nguyên tắc hệ thống các cơ sở KCB hoàn chỉnh ở tỉnh:

Hiện nay, mạng lưới các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Toàn tỉnh có 02 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 03 Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 01 phòng quản lý sức khỏe cán bộ. Tuyến huyện có 10 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đa chức năng thực hiện công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình. Đối với mạng lưới y tế tư nhân, trên địa bàn toàn tỉnh có 260 phòng khám (09 phòng khám đa khoa và 251 phòng khám chuyên khoa); 06 phòng tiêm chủng ngoài công lập. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập đã đáp ứng phần nào nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của người dân trên địa bàn tỉnh; giúp người dân tiếp cận đa dạng các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ tốt, cơ sở khang trang hiện đại, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa có bệnh viện tư nhân. Việc đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân góp phần xã hội hóa y tế, giảm đầu tư công, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chuyên sâu, đáp ứng đa dạng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, giảm chi phí cho người dân khi đi điều trị tại tuyến trên hoặc điều trị tại nước ngoài, tạo việc làm cho người lao động của địa phương. Mặc dù có một số nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên đến nay chưa có dự án bệnh viện tư nhân nào được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế tỉnh đang trình HĐND tỉnh thông qua Đề án quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2022 – 2026, trong đó, nội dung trọng tâm là đề xuất tách hệ điều trị của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hướng Hóa, là 2 bệnh viện tuyến tỉnh đảm nhiệm công tác điều trị cho nhân dân khu vực phía Bắc và phía Tây của tỉnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của nhân dân tỉnh nhà.

c) Việc thực hiện các chính sách thu hút, chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế; chính sách đào tạo liên tục ở địa phương:

- Về việc thực hiện chính sách thu hút: Ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nổ lực trong công tác thu hút đội ngũ bác sỹ, dược sỹ đại học có chất lượng về công tác tại tỉnh, cụ thể: Tuyển dụng các bác sĩ mới ra trường: năm 2018: 42 bác sĩ, 02 dược sĩ đại học, năm 2019: 11 bác sĩ, năm 2020: 03 bác sĩ và năm 2021: 29 bác sĩ, tổng cộng đến năm 2021: 131 bác sỹ, 02 dược sĩ đại học. Tuyển dụng thu hút các bác sĩ từ các địa phương khác về: không thu hút trường hợp nào. Kinh phí thu hút: Từ năm 2017 trở đi, Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND chỉ hỗ trợ cho bác sĩ đa khoa tốt nghiệp trường công lập về tuyến huyện. Chỉ có 01 trường hợp được tốt nghiệp loại TB khá, được hỗ trợ 50 triệu đồng.

- Về việc thực hiện chính sách tác đãi ngộ đối với cán bộ y tế cơ sở đang công tác: Thực hiện chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại tuyến điều trị và dự phòng trên toàn tỉnh cho 643 người, cụ thể: Bác sĩ công tác tại tuyến tỉnh: 234 người, Dược sĩ đang công tác tại tuyến tỉnh: 14 người, Bác sĩ công tác tại tuyến huyện: 222 người, Dược sĩ công tác tại tuyến huyện: 34 người, Bác sĩ công tác tại tuyến xã: 133 người, Dược sĩ công tác tại tuyến xã: 02 người. Trong đó: Hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến xã: 136 người với kinh phí ước tính 2.268.480.000 đồng; hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến huyện 257 người, với kinh phí ước tính 3.065.784.000 đồng; hàng năm hỗ trợ bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại tuyến tỉnh: 293 người với kinh phí ước tính 2.136.708.000 đồng. Tổng kinh phí hàng năm ước tính là 7.470.972.000 đồng.

- Chính sách đào tạo liên tục ở địa phương: Sở Y tế tỉnh đã được cấp mã đào tạo liên tục C31; Bệnh viện đa khoa tỉnh mã C31.01; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mã C31.02. Hàng năm, Sở Y tế cùng với 02 đơn vị trên đã tổ chức trên 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn và cấp chứng chỉ đào tạo liên tục cho cán bộ nhân viên ngành y tế.

d) Đổi mới hệ thống tổ chức và cung cấp dịch vụ y tế:

- Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị, trung tâm làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành Trung tâm KSBT tỉnh: Ngày 28/8/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1965/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập 04 đơn vị y tế dự phòng cấp tỉnh. Sau sáp nhập, bộ máy y tế dự phòng tuyến tỉnh đã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao; đội ngũ lãnh đạo quản lý giảm về số lượng, công tác chỉ đạo điều hành triển khai nhanh hơn, giảm tầng nấc trung gian, trách nhiệm cá nhân được xác định rõ; sử dụng tối đa nguồn lực của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế; sử dụng tối đa nguồn lực của trang thiết bị, phương tiện của đơn vị; giảm được kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị; giảm kinh phí cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất của các đơn vị; giảm sử dụng trụ sở cơ quan… Trong phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò, vị trí trong công tác phòng, chống dịch, đạt được nhiều thành quả lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

- Việc thực hiện mô hình TTYT đa chức năng, bao gồm YTDP, Dân số, KCB, PHCN; Trung tâm trực tiếp quản lý TYT xã và PKĐK khu vực. Việc rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám ĐK khu vực. Tổ chức hệ thống TYT xã, phường, TT gắn với y tế học đường,...:

Việc triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng đã đạt được những kết quả rõ nét. Bộ máy lãnh đạo tại các đơn vị được tinh gọn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Y tế trong công tác chỉ đạo, điều hành đơn vị, phát huy trí tuệ tập thể lãnh đạo trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đơn vị nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; sử dụng tối đa nguồn lực của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế; sử dụng tối đa nguồn lực của trang thiết bị, phương tiện của đơn vị. Trung tâm Y tế đa chức năng bảo đảm bao quát và xử lý được đầy đủ các lĩnh vực của y tế địa phương, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên kết khám chữa bệnh, y tế dự phòng, phòng chống dịch, dân số kế hoạch hóa gia đình. Năm 2019, Sở Y tế đã tiến hành rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám Đa khoa khu vực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nâng cấp Phòng khám đa khoa khu vực Bồ Bản, Tà Rụt theo mô hình Bệnh viện đa khoa - cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, Đakrông bảo đảm phù hợp nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa phương. Hệ thống Trạm Y tế xã, phường, thị trấn ngày càng được hoàn thiện, nhiều Trạm được đầu tư xây mới khang trang, cải tạo sửa chữa từ nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn địa phương; đội ngũ cán bộ y tế được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nên chất lượng y tế cơ sở ngày càng được củng cố; 100% các Trạm Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm vào công tác quản lý hồ sơ sức khỏe, qua đó nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và dân số tại địa phương.

- Tập trung hoàn thiện bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trước khi thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh. Điều chỉnh, sắp xếp các bệnh viện, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý:

Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống DSA, đang triển khai đầu tư hệ thống xạ trị… với đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu đã đạt được những giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Tổ chức bộ máy của bệnh viện ngày càng được hoàn thiện, nhiều khoa mới được thành lập như khoa lão học, khoa thăm dò chức năng... nhiều kỹ thuật mới được triển khai và áp dụng mang lại cho người dân nhiều lợi ích trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Quảng Trị là một trong 05 tỉnh trên cả nước chưa có bệnh viện chuyên khoa đông y. Dự án xây dựng Bệnh viện y học dân tộc giai đoạn 2021-2024 của tỉnh đã được đưa vào kế hoạch đầu tư của Chính phủ nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Năm 2019, Sở Y tế đã tiến hành nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực Bồ Bản, Tà Rụt theo mô hình Bệnh viện Đa khoa - cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, Đakrông đảm bảo người dân khu vực Bồ bản và người dân các xã miền núi của huyện Đakrông được tiếp cận y tế thuận lợi. Trong năm 2022, Sở Y tế đã trình HĐND tỉnh tách hệ điều trị của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa thành Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh và Bệnh viện đa khoa khu vực Hướng Hóa, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực nhằm giúp cho nhân dân khu vực phía Bắc và phía Tây của tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.

đ) Thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa phương:

Với mục tiêu tăng cường truyền thông vận động đến cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm đạt được sự cam kết, ủng hộ và sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các văn bản pháp quy liên quan dự phòng và kiểm soát các nguy cơ sức khỏe; tăng cường hoạt động truyền thông nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi theo hướng có lợi và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, trong nhưng năm qua, ngành Y tế đã tập trung thực hiện các hoạt động:

- Tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Duy trì, kiện toàn phòng truyền thông, tổ truyền thông tại các tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Xã hội hoá công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể như: Hội phụ nữ, người cao tuổi, đoàn viên thanh niên, các trường học.. để tăng cường truyền tải thông điệp truyền thông, giáo dục sức khỏe và phát triển những mô hình thông qua các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề.

- Thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống các loại dịch bệnh tại cộng đồng, trong đó chú trọng các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Tập huấn nâng cao kiến thức truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ làm công tác truyền thông các đơn vị.

- Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, giám sát truyền thông giáo dục sức khỏe tuyến cơ sở. Vận hành trang thông tin điện tử (trang web) và khuyến khích tương tác những thông tin y tế với mạng xã hội có kiểm soát để tăng cường hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

- Sản xuất, phát triển các loại tài liệu truyền thông nhằm cập nhật kiến thức, cung cấp thông tin cho nhân viên y tế và người dân. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất

III. Khó khăn, thách thức và nguyên nhân  

- Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em < 5 tuổi năm 2018 vẫn được duy trì giảm đều, giảm có tính bền vững và bắt đầu giảm chậm lại ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Đặc biệt tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi bị SDD ở hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông còn cao gấp hơn 2 lần so với trung bình của toàn tỉnh (Hướng Hoá: 17,27%, Đakrông: 16,15%). Do vậy, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở các khu vực này vẫn là những ưu tiên can thiệp trong những năm tiếp theo và cần phải có những giải pháp tích cực hơn.

-         Đầu tư ngân sách cho y tế còn hạn hẹp trong khi nguồn thu một phần viện phí và bảo hiểm y tế chưa đáp ứng.

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức:

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, tại y tế tuyến cơ sở, do thiếu nguồn nhân lực bác sĩ, ngành y tế đã triển khai công tác đào tạo y sĩ liên thông lên bác sĩ để bảo đảm có đủ số lượng bác sĩ phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì viên chức không còn thuộc đối tượng được cử đi đào tạo trình độ đại học. Đây là một khó khăn rất lớn cho ngành Y tế, đặc biệt là y tế tuyến xã, trong bối cảnh số lượng bác sĩ ít, đến tuổi nghỉ hưu và bỏ việc ngày càng tăng. Trong khi đó, số bác sĩ mới tốt nghiệp không muốn về công tác tại tuyến cơ sở. Trong khoảng thời gian 05 năm tới, hoạt động của hệ thống y tế tuyến xã sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không còn đủ số lượng bác sĩ, từ đó ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- Về công tác biên chế, tổ chức bộ máy:

Theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tại Điều 21 quy định: “Chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức biên chế tại các cơ sở y tế công lập. Điều này dẫn đến khó khăn cho ngành Y tế trong việc xây dựng Đề án Vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, khó khăn trong việc xây dựng Đề án Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

- Về biên chế hưởng lương từ ngân sách: Sau những năm chống dịch COVID-19, hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh gặp khó khăn do lượng bệnh nhân giảm, ảnh hưởng đến công tác tự chủ tài chính của các đơn vị; nhiều đơn vị không đủ kinh phí chi trả lương cho cán bộ viên chức.

IV. Đề xuất và kiến nghị

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức: Sở Y tế kính đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, góp ý bổ sung nội dung Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP: đối với công tác đào tạo các ngành chuyên môn kỹ thuật đặc thù, Bộ chuyên ngành tham mưu đề án trình Chính phủ xem xét quyết định.

- Về công tác biên chế, tổ chức bộ máy: Sở Y tế kiến nghị Sở Nội vụ trình Bộ Nội vụ xem xét, đôn đốc các Bộ chuyên ngành ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng thời gian quy định. 

- Về biên chế hưởng lương từ ngân sách: Sở Y tế kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ xem xét chưa cắt giảm số người hưởng lương từ nguồn ngân sách trong khoảng 02 năm tới để đảm bảo tình hình hoạt động của đơn vị được ổn định.

Trên đây là Sơ kết 5 năm (2017-2022) thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Sở Y tế kính trình Bộ Y tế, UBND tỉnh.

  1. BÁO CÁO SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TW NGÀY 25/10/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT

1. Về triển khai, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến nghị quyết

1.1. Công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết

Việc tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới) được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép phổ biến nghị quyết vào các lớp tập huấn nghiệp vụ của ngành Y tế và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

a) Đối với cấp tỉnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI đã Ban hành Chương trình hành động số 110/CTHĐ/TU ngày 27/4/2018 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU).

b) Cấp huyện: 100% Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết

Hàng năm, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chủ động dành một phần ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho công tác dân số để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, cụ thể:

- Tổ chức Hội nghị chuyên đề phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU cho hơn 1.500 người là Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn, Trưởng thôn, khu phố và đại diện các ngành, đoàn thể ở thôn, khu phố;

- Phối hợp Trường Chính trị Lê Duẩn đưa nội dung dân số vào nội dung giảng dạy tại Trường, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đang tham gia các lớp đào tạo chính trị tại trường.

- Lồng ghép đưa nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW vào các lớp tập huấn nghiệp vụ dân số cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế và đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư.

- Chủ động lồng ghép tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW cho người dân tại 125 xã, phường, thị trấn tại các buổi nói chuyện chuyên đề về chính sách dân số.

- Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh, Đoàn thanh niên tổ chức cung cấp thông tin làm rõ những điểm mới trong công tác dân số theo Nghị quyết 21-NQ/TW cho hội viên, đoàn viên cơ sở.

- Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin qua mạng xã hội.

Công tác tổ chức quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc, sâu rộng trong nhân dân.

2. Văn bản đã ban hành

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thời gian qua Sở Y tế đã tham mưu trình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân số trong tình hình mới tại địa phương, gồm:

- Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU ngày 27/4/2018 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 4079/KH-UBND ngày 19/9/2018 về thực hiện Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 14/01/2021 về thực hiện Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh.

- Các Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và các Kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, gồm: Kế hoạch hành động số 5703/KH-UBND ngày 11/12/2020 về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, Chương trình truyền thông dân số và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 14/6/2021 về thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 01/7/2021 về thực hiện chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 02/7/2021 về thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 27/8/2021 về thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 13/10/2021 về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 (Giai đoạn II); Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 12/11/2021 về triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 28/7/2022 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

3. Đánh giá về chuyển biến, nhận thức, vai trò của Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể

- Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức sâu sắc về công tác dân số và phát triển là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo, đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về dân số thành một trong những nội dung trong Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị Phân công và thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện, chỉ đạo thực hiện các giải pháp trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

- Các nội dung hoạt động dân số cơ bản được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số và tạo được dư luận xã hội đồng tỉnh ủng hộ; nhận thức và hành vi của người dân trong việc sinh con được gắn liền với trách nhiệm nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là một bước chuyển biến quan trọng để địa phương đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển” theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

 1. Các chỉ tiêu cơ bản:

(Chi tiết các chỉ tiêu qua các năm tại phụ lục I đính kèm)

- Tỷ suất sinh thô giảm từ 14,3%o (năm 2017) xuống còn 13,2 hay 13,04%o (năm 2021), dự kiến năm 2022: 12,9 hay 12,8%0, giảm bình quân > 0,28%o/năm (kế hoạch giảm từ 0,2%o - 0,3%0/năm).

- Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của bà mẹ): Giảm từ 2,85 con (năm 2016) xuống 2,45 con (2019) và ước khoảng 2,39 con (năm 2022)

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức: < 1%.

- Tỷ số giới tính khi sinh: Giảm từ 112,6 trẻ nam/100 trẻ nữ (2017) xuống 110,9 trẻ nam/100 trẻ nữ (2021) và dự dự kiến năm 2022 ở mức 111,2 trẻ nam/100 trẻ nữ (kế hoạch khống chế không vượt quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ nữ vào năm 2025).

- Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc bình quân đạt: > 35%/năm.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt bình quân 25%/năm.

- Tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm tăng từ 16,5% (năm 2017) lên 45,5% (năm 2022).

- Tuổi thọ trung bình năm 2022: ước đạt khoảng 68,9 tuổi.

2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp

2.1.  Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số của địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất và cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới.

a) Cấp tỉnh: Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về dân số và phát triển. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh có 3 phòng chức năng, gồm: Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch -Tài vụ; phòng Dân số - KHHGĐ; phòng Truyền thông - Giáo dục; tổng số người làm việc: 13 người, gồm 12 công chức và 01 hợp đồng 68.

b) Cấp huyện: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, năm 2018 tổ chức sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện trực thuộc UBND huyện vào Trung tâm Y tế huyện và thành lập phòng Dân số. Đến nay tổ chức bộ máy dân số cấp huyện cơ bản ổn định, đảm bảo thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

c) Cấp xã: Tiếp tục duy trì bố trí 01 viên chức dân số làm việc tại Trạm Y tế. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn và nhiệm vụ của Cộng tác viên dân số, Sở Y tế tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ Cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư. Hiện toàn tỉnh có 1.460 cộng tác viên dân số và được hưởng chính sách đãi ngộ theo quy định của Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh với thù lao hàng tháng là 300.000 đồng/tháng và hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với những Cộng tác viên thuộc các đối tượng chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Luật bảo hiểm Y tế.

Đặc biệt để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển các cấp để thực hiện chức năng giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động dân số trên tất cả các lĩnh vực quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số trên địa bàn; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của cả cộng đồng.

Cùng với việc củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, những năm qua  địa phương thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ công chức cấp tỉnh, viên chức cấp huyện, xã. Đến nay 100% công chức Dân số cấp tỉnh, viên chức Dân số cấp huyện và 90% viên chức Dân số cấp xã được đào tạo nghiệp vụ dân số cơ bản.

2.2. Đổi mới các nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số được đổi mới về phương pháp, đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, góp phần tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.

a) Các nội dung tuyên truyền được triển khai đầy đủ trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số

- Về quy mô dân số tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các hoạt động can thiệp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng: Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số - KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì nhân rộng mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.

- Về cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số: tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, đề cao giá trị của trẻ em gái, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuyên truyền, cung cấp thông tin về thực trạng về già hóa dân số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi, thực hiện chăm sóc người cao tuổi, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, thích ứng già hóa dân số. Tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

b) Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng:

 - Các hoạt động truyền thông được tiến hành thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng của sóng phát thanh - truyền hình tỉnh, báo Quảng Trị và trên các trang mạng xã hội: Facebook “Dân số Quảng Trị”, Trang Fanpace “Dân số và phát triển Quảng Trị”; các Trang Facebook Dân số tại các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

- Tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cộng động tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức như: Hội nghị chuyên đề, nói chuyện chuyên đề theo các nội dung phù hơp với từng nhóm đối tượng; duy trì có hiệu quả vận động trực tiếp tại hộ gia đình thông qua đội ngũ cán bộ dân số cơ sở và cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư.

- Đặc biệt, thời gian qua, các mô hình can thiệp truyền thông tại cộng đồng tiếp tục được các địa phương duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động. Mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên triển khai tại 40 xã, phường, thị trấn; mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được triển khai tại 20 xã, phường, thị trấn, thành lập 40 câu lạc bộ “ Người cao tuổi giúp người cao tuổi.”; Mô hình nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số và giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Hướng Hóa, Đakrông; mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục được các địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện.

2.3. Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

- Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ cơ bản đáp ứng nhu cầu của người sử dụng về sự đa dạng, thuận tiện và an toàn. Duy trì cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng miễn phí. Đẩy mạnh tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai thông qua hệ thống mạng lưới cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư. Khuyến khích, huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình.

- Mở rộng hệ thống cung cấp các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Phân cấp cụ thể các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phổ biến rộng rãi điểm cung cấp dịch vụ đến chính quyền cơ sở, người dân biết, sử dụng dịch vụ. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm sàng lọc thuộc Đại học Y Dược Huế thực hiện dịch vụ sàng lọc sơ sinh cho các nhóm đối tượng miễn phí.

- Thành lập khoa lão học tại các bệnh viện tuyến tỉnh và dành một số phòng bệnh để điều trị riêng cho người bệnh là người cao tuổi tại Trung tâm Y tế tuyến huyện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại trạm y tế xã.

2.4. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về dân số

Thực hiện Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU về việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về dân số, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án về chính sách dân số và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND tỉnh về chính sách dân số và phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đã điều chỉnh, bổ sung các chính sách dân số của địa phương, cụ thể như sau:

a) Chính sách đãi ngộ cho cộng tác viên dân số: Nâng mức thù lao CTV Dân số từ 150.000 đồng/người/tháng lên mức 300.000 đồng/người/tháng; tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những cộng viên viên không thuộc các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

b) Các chính sách hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm sinh gồm:

- Chính sách khuyến khích xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn; thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.

- Chính sách miễn phí chi phí thực hiện kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã khu vực II, khu vực III.

- Chính sách hỗ trợ tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ đến các xã mức sinh cao, xã khó khăn.

c) Chính sách hỗ trợ nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án về cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số để đảm bảo triển khai đồng bộ các hoạt động dân số trong tình hình mới.

2.5. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số từ 2018-2022

                                                                                                                               ĐVT: Triệu đồng

Nguồn ngân sách

2018

2019

2020

2021

2022

Cộng

1. Trung ương (Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số

2.559

2.655

2.700

0

0

7.914

2. Ngân sách địa phương

5.711

6.370

6.567

9.458

10.405

38.511

Cộng

8.270

9.025

9.267

9.458

10.405

46.425

III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ THÁCH THỨC

1. Những tồn tại, hạn chế

1.1. Về công tác chỉ đạo, lãnh đạo

a) Trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là chưa có những giải pháp mới để thực sự làm chuyển biến mạnh mẽ công tác dân số và phát triển tại địa phương.

- Tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên trong những năm trở lại đây tăng. Tuy nhiên các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời đưa ra những giải pháp, biện pháp cụ thể để đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số. (Chi tiết có phụ lục II đính kèm)

- Một số địa phương chưa đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Các nội dung hoạt động của công tác dân số trong tình hình mới như: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số chưa được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nên thiếu tính đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động dân số của địa phương.

b) Cơ chế phối hợp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động dân số ở cơ sở vẫn còn hạn chế, thiếu nhạy bén với các vấn đề mới nảy sinh; sự phối hợp hoạt động của các ngành, đoàn thể vẫn còn thiếu đồng bộ và thường xuyên.

1.2. Về thực hiện các chỉ tiêu và nhiệm vụ chuyên môn

a) Về thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn:

- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng hầu hết ở các địa phương và mới giảm lại trong năm 2021-2022 những vẫn không đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1%/năm;

- Tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt bình quân 25% so với tổng số trẻ em sinh ra trong năm (kế hoạch đạt 60% vào năm 2025).

b) Về thực hiệm các nhiệm vụ chuyên môn:

-  Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số và phát triển chưa thực sự đổi mới để đáp ứng với yêu cầu của công tác này trong giai đoạn mới. Nội dung và hình thức truyền thông chưa thực sự phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng và từng nhóm đối tượng.

- Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn phụ thuộc vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình miễn phí, chưa quen với việc chi trả chi phí các dịch vụ này.

- Một số chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới theo các Quyết định của Chính phủ và đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện tại địa phương nhưng chưa được bố trí đủ kinh phí, chủ yếu lồng ghép vào các nội dung hoạt động được bố trí tại Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND tỉnh nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiệu quả của chương trình.

1.3. Chế độ, chính sách

Một số chính sách trước đây do ngân sách trung ương đảm bảo như chính sách miễn phí phương tiện tránh thai; chính sách hỗ trợ chi phí kỹ thuật sàng lọc trước sinh sơ sinh nên chưa được đưa vào Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND tỉnh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây việc thực hiện các chính sách này do ngân sách địa phương đảm bảo nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp một số khó khăn.

2. Những thách thức

2.1. Mức sinh vẫn còn cao và chưa bền vững: Quảng Trị đang thuộc nhóm có mức sinh cao của cả nước, tổng tỷ suất sinh đang ở mức 2,39 con. Hầu hết các địa phương đều chưa đạt mức sinh thay thế, trong đó, các huyện thuộc khu vực đồng bằng (Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh) đang ở mức > 2,55 con; các huyện miền núi còn rất cao (Hướng Hóa 2,8 con; Đakrông 3,4 con).

2.2. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi có sự mất cân đối, chưa tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng; tỷ số giới tính khi sinh còn cao và thiếu ổn định:

- Tỷ lệ dân số phụ thuộc tăng, nhất là tỷ lệ dân số phụ thuộc già (60 tuổi trở lên) tăng nhanh, chiếm tỷ lệ 13,8%. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, nhất là lao động trẻ (từ 18-30 tuổi) xuất cư tương đối cao nên chưa tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng.

- Tỷ số giới tính khi sinh còn cao, đang ở mức 111,0 trẻ nam/100 trẻ nữ và tăng, giảm qua các năm.

2.3. Chất lượng dân số vẫn còn thấp: Tuổi thọ bình quân ở mức 68,9 tuổi, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao, nhất là tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng về chiều cao; tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, ly hôn, ly thân trong giới trẻ có xu hướng tăng. Tình trạng tảo hôn ở đồng bào dân tộc ít người vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

2.4. Phân bổ dân cư, quản lý dân số còn nhiều bất cập:

 Phân bổ dân số còn nhiều bất cập giữa các địa phương trong tỉnh. Mật độ dân số phân bổ chưa đồng đều, cụ thể: Thành phố Đông Hà: 1.316 người/km2; Vĩnh Linh: 141 người/km2; Hướng Hóa: 79 người/km2; Đakrông: 35 người/km2. Tình trạng nhóm dân số trong độ tuổi lao động xuất cư hàng năm cao nhưng do công việc thiếu ổn định, đặc biệt trong những năm vừa qua do tác động của dịch bệnh COVID-19 và số người trở về lại địa phương để tránh dịch bệnh tương đối đông nên việc quản lý dân số gặp nhiều khó khăn.

IV. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu dân số của địa phương theo Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy, Sở Y tế có một số đề xuất và kiến nghị:

- Kính đề nghị Tỉnh ủy:

+ Tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số trong tình hình mới, nhất là phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng quy mô gia đình 2 con nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội để tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025.

+ Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy tại các địa phương.

- Kính đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh:

Nghiên cứu, ban hành bổ sung một số chính sách hỗ trợ về công tác dân số theo phân cấp của Trung ương, cụ thể:

+ Chính sách miễn phí phương tiện tránh thai cho các nhóm đối tượng theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 và Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030.

+ Chính sách miễn phí cho các nhóm đối tượng sử dụng gói dịch vụ xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

+ Bổ sung một số chính sách khuyến khích, khen thưởng theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

- Kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh: Bổ sung kinh phí hỗ trợ các hoạt động các Chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới theo các Kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành thực hiện tại địa phương.

Võ Phúc Khanh

More
Thống kê
  • Hôm nay7
  • Tháng hiện tại40
  • Tổng lượt truy cập1.695.851
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ