Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 902

Tổng lượt truy cập: 1.494.483

Cần nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần

9:27, Thứ Tư, 26-10-2022

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị có 3.211 người mắc bệnh tâm thần, bao gồm: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm… đang được quản lý, điều trị tại cộng đồng.

Trong cuộc sống hiện nay, tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học ngày nay, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường nếu chúng ta nhận thức đúng đắn về sức khỏe tâm thần, trong đó vai trò của gia đình và cộng đồng là rất quan trọng.

Cách đây 8 năm, gia đình ông Nguyễn Tuyền, trú tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ phát hiện con trai mình có những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt như ngồi nói nhảm 1 mình, la hét, quậy phá và đi lang thang khắp nơi… khiến không chỉ bản thân người bệnh mà cuộc sống của cả gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau đó, gia đình ông đưa con đi khám và được các bác sĩ xác định bị bệnh tâm thần nên đưa vào quản lý, điều trị.

Cán bộ Y tế thăm hỏi, theo dõi bệnh nhân đang điều trị tại cộng đồng

“Thời gian đầu mới bị bệnh, tôi cứ nghĩ cháu buồn chuyện riêng tư gì thôi nên không để ý, nhưng bệnh ngày càng nặng hơn và có những biểu hiện bất thường nên đưa đi khám, điều trị. Đặc biệt, từ khi cháu được Trạm y tế xã đưa vào quản lý theo dõi, cấp phát thuốc đầy đủ, thường xuyên thăm hỏi, nhắc nhở uống thuốc, đồng thời được sự quan tâm, động viên của gia đình, chính quyền địa phương, làng xóm thì đến nay sức khỏe của con tôi đã ổn định, có thể tự sinh hoạt và phụ giúp làm việc nhà”, ông Tuyền cho biết.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị có 3.211 người mắc bệnh tâm thần, bao gồm: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm… đang được quản lý, điều trị tại cộng đồng. Trước tình hình đó, ngành y tế đã đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác chuyên môn từ tỉnh đến xã; Thường xuyên thăm khám, quản lý theo dõi bệnh nhân, trong đó chú trọng việc phát hiện sớm, giám sát điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng. Bên cạnh công tác quản lý và điều trị, hoạt động giám sát, truyền thông được thực hiện thường xuyên, qua đó, nhận thức về sức khoẻ tâm thần của các cấp chính quyền và người dân ở địa phương đã được thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực hơn.

Theo các chuyên gia, khi xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%, trong đó số còn lại không biết, hoặc không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Song, với sự tiến bộ của y học như ngày nay, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường nếu chúng ta nhận thức đúng đắn về sức khỏe tâm thần, biết được các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhằm giúp cho mình cũng như người thân phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cộng đồng không được xa lánh, kì thị mà cần chia sẻ, giúp đỡ người bệnh để họ sớm khỏi bệnh, ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm ổn định trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, Trưởng Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết: “Trên địa bàn xã chúng tôi đang quản lý, điều trị cho gần 50 bệnh nhân tâm thần nhưng lực lượng cán bộ trạm mỏng nên nhiều lúc rất khó khăn trong việc theo dõi, quản lý bệnh nhân. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách liên quan đến chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần thời gian qua bị cắt giảm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ ngoài vấn đề chuyên môn như: tổ chức đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực, cập nhật các kiến thức mới, thì cần có các nguồn kinh phí, chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế thôn, cũng như người bệnh để hoạt động này được triển khai thực hiện tốt hơn, giúp người bệnh sớm hòa nhập với cộng đồng”.

Có thể thấy, hiện nay số lượng bệnh nhân tâm thần ngày càng tăng và trẻ hóa, nhưng công tác quản lý, điều trị cho đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều vụ án thương tâm do người tâm thần gây án xảy ra. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, sự chung tay của gia đình và xã hội để giúp người bệnh sớm ổn định sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

                                                                                      Nguyễn Hoài Nam

Các tin khác