Chi tiết bài viết - Sở Y tế


- Tin tức - sự kiện
- Quản lý nhà nước
- Thông tin dự án, mua sắm công
- Gương sáng ngành y
- Nghiên cứu khoa học
- Chiến lược, QH, ĐH Phát triển
- Thông tin y học
- Văn bản pháp quy
- Thống kê y tế
- Thông báo
- Chuyển đổi số
- Người dân cần biết
-
Đang online 2
-
Hôm nay 62
Tổng cộng 2.094.019
Giới thiệu về Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm
Ngày đăng: 25-03-2024
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm (viết tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc Sở Y tế, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị chuyên ngành kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế.
2. Trung tâm có chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành y tế; cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và các dịch vụ kiểm nghiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Kiểm nghiệm và nghiên cứu kiểm nghiệm, xác định chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm kể cả nguyên liệu, phụ liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm qua các khâu sản xuất, bảo quản, lưu thông, sử dụng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm gửi tới hoặc lấy mẫu trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, đánh giá chất lượng.
2. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đang lưu thông trên thị trường trên cơ sở quy định của pháp luật.
3. Thực hiện các dịch vụ phân tích, đánh giá chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân phối, sử dụng gửi đến; thực hiện kiểm nghiệm chất lượng phục vụ quản lý nhà nước về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
4. Lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành y tế để kiểm nghiệm theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
5. Kiểm nghiệm chất lượng An toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hổ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.
6. Tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật về mặt chất lượng thuốc, mỹ phẩm, theo sự phân cấp và theo quy định của pháp luật.
7. Báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh với Giám đốc Sở Y tế; tham mưu Giám đốc Sở Y tế giải quyết những tranh chấp về chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại địa phương; tham gia giải quyết các trường hợp khiếu nại về chất lượng thuốc, mỹ phẩm thuộc lĩnh vực chuyên môn kiểm nghiệm; tham gia vào việc kiểm tra thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn về dược.
8. Nghiên cứu khoa học:
a) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành kiểm nghiệm, nhằm nâng cao công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân;
b) Tham gia nghiên cứu xây dựng, thẩm định các chuyên luận Dược điển Việt Nam và các tiêu chuẩn chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trong phạm vi được phân công;
c) Nghiên cứu thiết lập chất chuẩn làm việc phục vụ cho công tác kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm.
9. Công tác đào tạo:
a) Là cơ sở thực hành đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định của pháp luật hiện hành. Tham gia với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo nhân lực y tế đặc biệt chuyên ngành dược theo quy định hiện hành.
b) Tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho cán bộ kiểm nghiệm trong đơn vị về quản lý, chuyên môn kỹ thuật đảm bảo chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm;
c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa kiểm nghiệm và tham gia đào tạo cán bộ dược ở địa phương;
10. Hợp tác quốc tế:
a) Hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cá nhân ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm;
b) Khai thác các nguồn viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, phát triển đơn vị.
11. Quản lý đơn vị:
a) Thực hiện quản lý viên chức, người lao động; chế độ chính sách khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện thu, chi phí kiểm nghiệm và phí dịch vụ khác theo đúng quy định của Nhà nước.
12. Trung tâm được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân cấp của Sở Y tế, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung Ương, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia và trước pháp luật về hoạt động của đơn vị mình;
13. Được triển khai các nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, mời các chuyên gia, cán bộ khoa học thuộc các cơ quan trong và ngoài ngành y tế để tham gia lĩnh vực hoạt động của Trung tâm theo quy định của pháp luật;
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế giao.
CHƯƠNG II
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ SỐ NGƯỜI LÀM VIỆC
Điều 3: Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm:
a) Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc; các viên chức và người lao động.
b) Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
c) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm phụ trách, theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc trung tâm, trước Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc Trung tâm được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động.
d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của UBND tỉnh.
2. Các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Kiểm nghiệm Hóa lý - Mỹ phẩm;
- Phòng Kiểm nghiệm Đông dược - Dược liệu;
- Phòng Vi sinh.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các phòng thuộc Trung tâm
a) Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
b) Phó Trưởng phòng là người giúp cấp trưởng phụ trách, theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng.
c) Số lượng cấp phó các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ (phòng có từ 7 đến 9 người làm việc bố trí 01 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 10 người làm việc trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng).
d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ chính sách khác đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Trung tâm được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 4. Số lượng người làm việc của Trung tâm
1. Số lượng người làm việc của Trung tâm được xác định trên cơ sở đề án vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Trung tâm xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc, báo cáo Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quản lý viên chức, người lao động của Trung tâm phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ Quy định này, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm ban hành Quy chế làm việc của đơn vị.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm đề xuất Sở Y tế xem xét trình UBND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp./.
- Giới thiệu về Bệnh viện Mắt Quảng Trị (20/11/2024)
- Giới thiệu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (20/11/2024)
- Giới thiệu về Bệnh viện YHCT và PHCN tỉnh (20/11/2024)
- Giới thiệu về Bệnh viện KV Triệu Hải (20/11/2024)
- Giới thiệu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (20/11/2024)
- Giới thiệu về Chi cục ATVSTP (20/11/2024)
- Giới thiệu Chi cục DS-KHHGĐ (20/11/2024)
- BẢNG PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỦA BAN LÃNH ĐẠO VÀ DANH SÁCH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ (25/11/2024)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại: 0233. 3852583 - Email: info@dohquangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
Ghi rõ nguồn https://soyt.quangtri.gov.vn khi sử dụng thông tin từ website này