Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 8

  • Hôm nay 787

  • Tổng cộng 1.699.703

Hiệu quả từ một nghị quyết về chính sách dân số - KHHGĐ

Ngày đăng: 04-03-2020

 

Nổi bật trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND là tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Toàn tỉnh có 141 viên chức dân số cấp xã thuộc biên chế trạm y tế và có 1.630 cộng tác viên dân số thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh các hoạt động truyền thông can thiệp trực tiếp tại cộng đồng thì các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được tăng cường sản xuất, đăng tải các tin, bài, phóng sự về công tác dân số - KHHGĐ.

Từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ theo Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND, Sở Y tế tổ chức triển khai có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và xã thuộc địa bàn khó khăn. Đặc biệt, các mô hình hoạt động cộng đồng được duy trì và nhân rộng như mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên. Trong giai đoạn 2017-2019 đã có 81 thôn phát động xây dựng mô hình và 80 thôn được UBND tỉnh khen thưởng đạt thành tích trên 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên với tổng kinh phí khen thưởng là 1,9 tỉ đồng.

Nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tổ chức đồng bộ ngày càng hiệu quả như mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng thu hút hơn 2.000 người cao tuổi tham gia tại 36 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” ở 18 xã, phường, thị trấn; thành lập và duy trì được 170 câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” với sự tham gia của gần 9.000 thanh niên và vị thành niên. Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm xét nghiệm, phát hiện sớm các dị tật, bệnh bẩm sinh. Từ năm 2017 đến nay thông qua thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh đã phát hiện 66 trường hợp có nguy cơ mắc các dị tật bào thai và sàng lọc sơ sinh, phát hiện sớm 81 trường hợp có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh. Nghị quyết 11/2017/ NQ-HĐND còn góp phần đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể được tăng cường như phối hợp với Trường chính trị Lê Duẩn đưa chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy cho học viên của trường; phối hợp với các trường THPT tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục giới tính, bình đẳng giới cho học sinh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông chuyên đề về sức khỏe tiền hôn nhân cho công nhân lao động...

Ông Trương Hữu Thiện, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Nghị quyết 11/NQ-HĐND tỉnh đã được ban hành kịp thời và đúng vào thời điểm công tác dân số - KHHGĐ của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn do chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011 -2015 kết thúc và Chính phủ chưa ban hành chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, nhiều nội dung hoạt động theo chương trình mục tiêu trước đây bị cắt giảm và phân về cho địa phương đảm bảo. Do đó, ngay sau khi Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND được ban hành đã giải quyết được nhiều bất cập của công tác dân số ở địa phương”.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND, công tác dân số - KHHGĐ ở Quảng Trị đang gặp phải nhiều thách thức và các vấn đề mới nảy sinh trong giai đoạn mới như tổng tỉ suất sinh vẫn đang ở mức cao (2,45 con), mức sinh giảm chậm và không ổn định, không đồng đều giữa các vùng, tỉ suất sinh ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức cao (22,02%) và có xu hướng tăng. Tỉ số giới tính khi sinh 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuổi thọ trung bình của người dân ở tỉnh chỉ mới 68,3 tuổi, trong khi đó tuổi thọ bình quân chung của cả nước là 73 tuổi, tỉ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp, hoạt động tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Một số định mức hỗ trợ theo Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND còn thấp so với thực tế cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác dân số giai đoạn 2016-2020.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND, công tác dân số - KHHGĐ Quảng Trị cần có những hướng đi, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ. Mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và hiệu quả hoạt động kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số - KHHGĐ. Xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân số. Đào tạo đội ngũ làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp hóa.

`                  Lệ Hà