Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 10

  • Hôm nay 166

  • Tổng cộng 1.704.130

Cần tận dụng tốt hơn thời cơ “dân số vàng”

Ngày đăng: 14-08-2022

Hiện nay, Việt Nam có gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Đây được coi là cơ cấu “dân số vàng”, là lợi thế để thúc đẩy phát triển KT - XH nhanh và bền vững hơn. Do đó, Nghị quyết số 21-NQ/ TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Cơ cấu “dân số vàng” được hiểu là một cơ cấu dân số mà trong đó, số người trong độ tuổi có khả năng lao động (15 - 64 tuổi) cao hơn số người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) từ 2 lần trở lên. Nói một cách khác, một dân số khi có từ 2 người trong độ tuổi có khả năng lao động trở lên gánh 1 người phụ thuộc thì dân số đó có cơ cấu “vàng”.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh năm 2021, tổng số dân của Quảng Trị đến ngày 31/12/2021 là 648.779 người, trong đó nam 322.027 người, chiếm 49,64%; nữ 326.752 người, chiếm 50,36%; thành thị 32,6%, nông thôn 67,4%. Độ tuổi từ 0 - 14 tuổi chiếm 24,6%, từ 65 tuổi trở lên chiếm 11,2%. Số người trong độ tuổi từ 15 - 64 tuổi chiếm khoảng 64,2% tổng dân số toàn tỉnh.

 

Do tác động của chính sách KHHGĐ, sinh đẻ ít nên tỉ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nhiều. Tuy nhiên, nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” tăng nhanh. Lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” đem lại chính là nguồn nhân lực dồi dào, nếu được tận dụng trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra của cải vật chất và giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.

Đây là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hương Chương chia sẻ: “Lực lượng lao động tăng lên đồng nghĩa với việc năng suất lao động và khối lượng sản phẩm được tạo ra cũng tăng lên, tài sản xã hội và gia đình được đảm bảo.

Tuy nhiên, cơ hội “vàng” sẽ bị bỏ lỡ nếu không tăng tốc đầu tư vào con người với đội ngũ lao động có trình độ và có kỹ năng bởi hiện tượng cơ cấu “dân số vàng” cũng chỉ xuất hiện một lần trong quá trình phát triển của một cộng đồng dân cư và thường kéo dài 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm”.

Bên cạnh những khả năng lợi thế thì cơ cấu “dân số vàng” cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc tận dụng cơ hội này để phát triển KT - XH của tỉnh. Đặc điểm của dân số Quảng Trị là tỉ lệ xuất cư hằng năm tương đối cao, nhất là dân số trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi nên cơ cấu dân số theo tuổi đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỉ trọng dân số trong nhóm 0 - 14 tuổi giảm 5,3% (từ 29,9% năm 2009 xuống 24,6% năm 2021); tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên tăng 2,8% (từ 8,4% năm 2009 lên 11,2% năm 2021).

Trong khi đó, tỉ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chỉ tăng 2,5% (từ 61,7% năm 2009 lên 64,2% năm 2021). Với tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 11,2%, Quảng Trị đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Điều này tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: Bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí. Mặt khác, do tỉ lệ xuất cư trong độ tuổi lao động cao nên chưa tận dụng được lợi thế “dân số vàng”.

Các địa phương có lực lượng lao động xuất khẩu cao là các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn để tạo việc làm cho lực lượng lao động tương xứng với tiềm năng vốn có, dẫn đến tình trạng hằng năm lực lượng lao động tìm việc ở các tỉnh trong nước cũng như ở thị trường nước ngoài chiếm số lượng tương đối lớn.

Do chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, công tác chăm sóc y tế tốt hơn nên tỉ lệ nhóm người trong độ tuổi không còn khả năng lao động từ 65 tuổi trở lên tăng đáng kể, điều này kéo theo các chi phí cho an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đối tượng nữ giới trong tuổi sinh sản cũng khá lớn (chiếm 23,3% so với tổng dân số toàn tỉnh) nên mặc dù mức sinh đã giảm song sức ép về dịch vụ KHHGĐ cũng vì thế tăng lên.

Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động ở tỉnh thực sự là thách thức lớn về việc làm cho xã hội; chất lượng lao động của tỉnh còn hạn chế, số lao động được đào tạo còn thấp (chiếm 32%), trình độ tay nghề chưa cao so với nhiều tỉnh, thành phố cũng tạo ra sức ép cho giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của COVID-19 số người trở về địa phương nhiều, một lực lượng lao động của tỉnh mất việc làm do các nước Lào, Thái Lan đóng cửa biên giới và chính sách tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước… Cơ hội việc làm ít, một bộ phận lao động không kiếm được việc làm đưa tỉ lệ thất nghiệp tăng so với các năm.

Bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết thêm: “Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, thời gian tới, Quảng Trị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, phát triển việc làm. Tuyên truyền, giáo dục người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề, tận dụng cơ hội tốt này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người trong độ tuổi lao động nói riêng để họ nâng cao khả năng làm việc nhằm tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng”. Đồng thời, tiếp tục duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số”.

 

Lệ Hà – Ngọc Trang