Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 7

  • Hôm nay 710

  • Tổng cộng 1.702.729

Tích cực và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người

Ngày đăng: 17-05-2021

Tình hình dịch bệnh năm 2020 và nguyên nhân

Trên thế giới và tại Việt Nam, bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân,sự biến chủng của các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm như dịch COVID-19, bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng ... chưa khống chế được triệt để; một số bệnh trước đây đã được khống chế nhưng hiện nay đang gia tăng trở lại ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu…. Các bệnh dịch chủ yếu do virus, không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vaccine dự phòng, các biện pháp phòng chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu, tuy đã được kiểm soát và có số mắc giảm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ tại Việt Nam như dịch hạch, bại liệt luôn có nguy cơ tái xâm nhập từ bên ngoài. Ngoài ra,biến đổi khí hậu, biến động về dân cư, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, sự giao lưu rộng rãi của người dân, hậu quả của thiên tai, lụt bão đang tác động tiêu cực tới các hoạt động y tế dự phòng, có thể làm phát sinh, phát triển dịch bệnh; đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh cũng như các dịch bệnh đã được khống chế nay có điều kiện xuất hiện trở lại. Trong thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã có nhiều cố gắng  trong việc ngăn chặn không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào trên địa bàn, góp phần rất lớn vào việc ổn định an sinh xã hội trong bối cảnh giao lưu du lịch, thương mại ngày càng phát triển. Tuy nhiên, qua công tác giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm trong năm 2020 trên địa bàn cho biết: một số bệnh truyền nhiễm xuất hiện và tăng so cùng kỳ năm trước: COVID 19 (07 ca),Whitmore (44 ca),Tiêu chảy (1412 ca), Tay chân miệng (151 ca), Bạch hầu (27 ca), Viêm gan A (45 ca), Liên cầu khuẩn lợn (22 ca); Các bệnh truyền nhiễm khác tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ mắc/1000 dân còn cao: Sốt xuất huyết (908 ca),sốt rét (07ca), lỵ trực trùng (447 ca), lỵ amip (153 ca), quai bị (46 ca), thủy đậu (182 ca), bệnh sốt phát ban nghi sởi/rubella (67 ca). Điều cần quan tâm là dịch bệnh truyền nhiễm diễn ra trên diện rộng xuất hiện tại hầu hết các địa phương, mọi lứa tuổi, kéo dài trong cả năm, không theo mùa như trước đây.

Diễn biến số ca mắc SXH theo tháng năm 2020 tại Quảng Trị

Dự báo dịch bệnh trong thời gian tới và giải pháp

Tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp do những yếu tố khách quan và chủ quan như: Một số chính quyền cấp cơ sở tại địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng chống dịch, chưa thấy được sự cần thiết và tính cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh, coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành y tế. Các Ban ngành đoàn thể chưa tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Hoạt động cung ứng vaccine trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân từ các nhà sản xuất chưa đáp ứng, cung ứng chậm không đảm bảo triển khai thực hiện theo kế hoạch. Việc quản lý đối tượng tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng khó khăn do không tách hoặc cập nhật được các đối tượng trong tiêm chủng mở rộng sử dụng vaccine tiêm chủng dịch vụ, không quản lý được hết các đối tượng vãng lai, di biến động. Tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa quản lý được hết các đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở quy mô cấp xã. Hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền tại một số địa phương trong công tác triển khai tiêm chủng, quản lý đối tượng chưa được chú trọng, thiếu sự quan tâm chỉ đạo. Việc triển khai hoạt động kiểm dịch y tế đối với người còn gặp khó khăn do điều kiện cơ sở làm việc còn nhiều hạn chế và các trang thiết bị phục vụ khám, phát hiện các triệu chứng liên quan tới các bệnh dịch. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, tiêm chủng chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng. Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm hàng năm, đến năm 2020 đã kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương hạn chế, nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí chậm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhân viên y tế khảo sát môi trường sau bão lụt tại Hải Lăng

Mục tiêu đặt ra đối với công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm ở người trong giai đoạn tới mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp là cần chủ động các biện pháp phòng chống và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, khoanh vùng, xử lý kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng và tử vong do các loại dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

                   Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

Trước hết là tập trung vào công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành: Kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch các cấp, thường xuyên đánh giá tình hình để kịp thời bổ sung và xử lý những vấn đề mới nảy sinh, xây dựng đội ngũ tinh thông về nghiệp vụ, đảm bảo về số lượng và thành phần để huy động sự tham gia của các lực lượng trên địa bàn. Đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại kịp thời phát hiện và khảng định chủng loại virus, vi khuẩn gây bệnh nhằm nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên từ xa, từ cộng động, ngay từ biên giới nhằm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” thông qua công tác thống kê báo cáo, tin đồn. Tăng cường và đa dạng hóa các loại hình truyền thông, phù hợp với phong tục tập quán và tình hình tại địa phương nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tự phòng chống cho bản thân và gia đình như thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung, khoảng cách và khai báo) trong phòng chống COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; vệ sinh tay, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phòng chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như viêm gan A, ngộ độc thực phẩm…,; ngũ màn thường xuyên và vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhà cửa khang trang trong phòng chống các bệnh lây truyền qua muỗi như sốt rét, sốt xuất huyết….tiêm vaccine bảo vệ phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác như viêm màng não…. Thành lập các Đội phản ứng nhanh, đảm bảo số lượng và trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng khi có dịch, thảm họa trong mọi tình huống. Chú trọng phối hợp liên ngành như thú y phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, với giáo dục- đào tạo trong phòng chống các bệnh ở lứa tuổi học đường. Tăng cường hợp tác với các tỉnh Savanakhet (Lào) và Mucđahan (Thái Lan) nhằm thu thập thông tin và phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới hiệu quả.

Dịch bệnh truyền nhiễm ở người diễn biến ngày càng phức tạp không có biên giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế- xã hội. Do vậy, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sớm, triệt để của ngành y tế, thì sự vào cuộc của các ban ngành là quan trọng, sự tham gia hưởng ứng, tích cực của người dân là vô cùng cần thiết.

              ThsBs Lê Thạnh- Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị