Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 7

  • Hôm nay 2601

  • Tổng cộng 1.698.411

Hút thuốc lá thụ động, những tác hại đối với sức khỏe

Ngày đăng: 14-08-2022

Cháu P.H.M., con chị N.T.H. ở thị xã Quảng Trị vừa tròn 21 tháng tuổi. Thời gian gần đây, cháu M. xuất hiện những triệu chứng bất thường như cảm sốt, ho có đờm, tiết dịch tai giữa... Sau khi thăm khám tại cơ sở y tế, bác sĩ kết luận cháu M. bị viêm phế quản và viêm tai mãn tính. Lý do mắc bệnh mà bác sĩ đưa ra có nhiều nguyên nhân, nhưng khả năng cao cháu M. bị ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động do trong gia đình có người hút thuốc lá. Chỉ về sự thiếu hiểu biết về những tác hại của thuốc lá đối với bản thân và cộng đồng, nhất là đối với trẻ em do chính những người thân trong gia đình gây ra tác hại khôn lường cho các thành viên, nhất là trẻ em.

Đối với trường hợp cháu M. ngay sau khi được điều trị khỏi bệnh, chính ba của M. đã quyết tâm bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho các con. Kết quả nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không có mức độ nào an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc lá, ngay cả khi tiếp xúc khói thuốc lá trong một thời gian ngắn cũng có thể gây hại cho sức khỏe của con người. Các nguy cơ về sức khỏe càng cao hơn khi tiếp xúc với khói thuốc nhiều hơn. Nếu bản thân không hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc thì được gọi là hút thuốc thụ động hoặc hút thuốc không tự nguyện, ô nhiễm khói thuốc lá. Một số chất độc hại này từ không khí đi vào phổi và máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nhiều người. Nghiên cứu chỉ ra rằng sống cùng một người hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 20% - 30%.

 

Tập huấn nâng cao nhận thức người dân về tác hại của hút thuốc lá - Ảnh: T.H

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất là 30%. Có thể bao gồm một số loại ung thư như: Ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm hen suyễn và bệnh tim. Những đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn từ khói thuốc lá như: Phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh về hô hấp và bệnh tim. Tiếp xúc với khói thuốc lá gây viêm phổi, làm tăng các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đặc biệt, hút thuốc lá thụ động không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì cơ thể và phổi của trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc một số bệnh sau như: Nhiễm trùng tai, hen suyễn, nhiễm trùng phổi (viêm phế quản và viêm phổi, ho, thở khò khè) và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ khác giữa khói thuốc lá và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Ví dụ như tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe tâm thần và vấn đề học tập ở trẻ; tăng nguy cơ hút thuốc. Một số người nghĩ rằng việc mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt sẽ ngăn chặn việc tiếp xúc với khói thuốc. Nhưng các nghiên cứu cho thấy các độc tố từ khói thuốc không biến mất. Khói thuốc vẫn còn trong tóc, quần áo, thảm và đồ nội thất. Cách duy nhất để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc là tránh những nơi có tình trạng hút thuốc lá.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, nhiều người hút thuốc lá có thói quen hút thuốc trong nhà, nơi làm việc, nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhà chờ xe bus, nhà hàng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc. Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Vì vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như: Mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Đây là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Để góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cùng ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như việc tăng cường công tác truyền thông, xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá. Thực hiện tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại các địa phương. Để xây dựng môi trường không khói thuốc, ngành y tế đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTHTL tại các cơ sở y tế. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện cơ sở y tế không khói thuốc lá, công chức, viên chức tại đơn vị cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị. Thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến liên hệ công tác không được hút thuốc lá tại các cơ sở y tế. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông qua các buổi nói chuyện sức khỏe, hội thi, giao lưu văn nghệ về tác hại thuốc lá đến tận người dân. Giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi với người đã và đang sử dụng thuốc lá.

Phan Thanh Hải