Chi tiết bài viết - Sở Y tế

“Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”

Vấn đề chất lượng thực phẩm chưa bao giờ hết nóng trong xã hội hiện nay. Đặc biệt là thực trạng người tiêu dùng đang ngày ngày phải đối mặt với ma trận nguy cơ thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, Tháng hành động vì ATTP năm 2019 đã …

Vấn đề chất lượng thực phẩm chưa bao giờ hết nóng trong xã hội hiện nay. Đặc biệt là thực trạng người tiêu dùng đang ngày ngày phải đối mặt với ma trận nguy cơ thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, Tháng hành động vì ATTP năm 2019 đã lấy chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” được tổ chức từ ngày 15/4-15/5/2019 trên phạm vi cả nước.

Tại Quảng Trị, hưởng ứng Tháng hành động, sẽ có nhiều hoạt động được Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh ( ATVSTP) triển khai nhằm hướng đến 3 mục tiêu chính: Tăng cường truyền thông về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các cơ sở nhỏ lẻ và làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Và cuối cùng là giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng. Ông Lê Quốc Dũng- Chi cục phó Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “ Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP nhằm huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các đoàn thể quần chúng tham gia vào việc lập lại trật tự kỷ cương trong sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Như vậy, ngoài các hoạt động thường xuyên, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP sẽ đưa công tác ATVSTP lên một tầm cao mới, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng”.

Khi được hỏi vấn đề quan tâm hàng đầu khi chọn mua thực phẩm là gì? Chị Đoàn Hoàng Hoa ở Khu phố 1, Phường 5, Thành phố Đông Hà trả lời ngay: Đó là chất lượng thực phẩm. Mình sợ nhất là việc có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt với các mặt hàng như sữa, bột và các sản phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày vì nhà mình đang nuôi con nhỏ. Mình là một người khá kỹ tính trong việc lựa chọn thực phẩm trước khi mua nhưng như mọi người vẫn nói, người mua nhầm chứ người bán mấy khi nhầm. Mình chỉ sợ tiền mất tật mang vì trên thị trường bây giờ thực giả lẫn lộn khó phân biệt lắm!

Mang băn khoăn của chị Đoàn Hoàng Hoa trao đổi với Bác sĩ ( BS) Võ Quang Duy- Phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP tỉnh, BS Duy cho rằng việc lo lắng của chị Hoa là hoàn toàn có cơ sở. Theo BS Duy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái được mệnh danh là loại tội phạm nguy hiểm nhất thế kỷ 21, đang đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Không chỉ “bóp chết” các doanh nghiệp này, các sản phẩm giả, nhái còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng người dân. Những mặt hàng gia dụng, đồ điện tử bị làm giả đa phần gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt kinh tế. Còn với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt, kẹo, rượu bia, thuốc chữa bệnh bị làm giả, hậu quả mang lại là vô cùng nghiêm trọng về mặt sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Khi sử dụng các loại sản phẩm này, độc dược từ thực phẩm giả vào cơ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tổn thương hệ thần kinh, nhiễm độc, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, ung thư và thậm chí tử vong…

Để xử trí khi gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng, BS Võ Quang Duy khuyến cáo người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền, bồi thường. Trường hợp người bán hàng không đổi hàng, không bồi thường hay không hoàn trả tiền thỏa đáng, người tiêu dùng nên làm đơn tố cáo đồng thời chuyển toàn bộ tang vật và chứng từ liên quan của hàng hóa đó cho Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan công an nơi gần nhất để để được tư vấn và xem xét giải quyết, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa. Bên cạnh đó, khi mua hàng hóa, người tiêu dùng nên mua hàng hóa ở những địa điểm, cửa hàng tin cậy đã được thẩm định. Nên đọc kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa và luôn luôn yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn mua hàng trên đó có ghi rõ tên, địa chỉ người bán hàng.

Xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP trong thời điểm hiện nay, tại hội nghị phát động Tháng hành động vì ATTP tại tỉnh Quảng Trị vừa qua, đồng chí Hoàng Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “ Công tác bảo đảm ATTP tại Quảng Trị thời gian qua đã được các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn tồn tại và khó kiểm soát. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP; Các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội cần tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về công tác đảm bảo VSATTP đến mọi đối tượng, đặc biệt là đến với những người trực tiếp làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để đảm bảo ATTP, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng thực phẩm”.

Trước vấn nạn về thực phẩm giả, kém an toàn như hiện nay, người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi. Mọi người phải tự bảo vệ mình thông qua việc thay đổi tư duy lựa chọn và sử dụng thực phẩm bằng kiến thức, kỹ năng chứ không nên lựa chọn bằng niềm tin, bằng mắt; Lựa chọn thực phẩm có chất lượng, thay vì lựa chọn bằng hình thức, mẫu mã. Người tiêu dùng cần phải bỏ thói quen dễ dãi trong ăn, uống và sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm tra về ATTP. Bên cạnh trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng quản lý về ATVSTP, mỗi một người dân phải biết bảo vệ mình bằng cách tự trang bị kiến thức, kỹ năng lựa chọn thực phẩm để tránh các mối nguy do thực phẩm kém chất lượng gây ra cho sức khỏe của bản thân và của gia đình./.

                                                                      Phương Thảo

Thống kê
  • Hôm nay20
  • Tháng hiện tại1186
  • Tổng lượt truy cập1.694.614
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ