Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhi nữ 5 tuổi, sống tại tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A (H5). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống vi rút cúm A (H5) và các vi rút cúm gia cầm khác trên người, qua đó nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh này gây ra.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2003 đến năm 2019, trên toàn thế giới tổng cộng 861 trường hợp nhiễm H5N1 ở người, trong đó 455 người đã tử vong, và thời gian qua liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A (H5). Tại Quảng Trị, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi ở huyện Vĩnh Linh trên đàn vịt 2.000 con, tổng số gia cầm bệnh, chết và tiêu hủy là hơn 1.700 con.

Mặc dù việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn được cơ quan chức năng triển khai thực hiện, tuy nhiên việc kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh, các tụ điểm, chợ có buôn bán gia cầm… chưa triệt để, nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp đến gần, vì vậy hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm chắc chắn sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu chúng ta không chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng quyết liệt và triệt để.

Trước nguy cơ xảy ra các trường hợp mắc cúm gia cầm trên người ở nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đặc biệt là ngay sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh dương tính với cúm A (H5) tại tỉnh Phú Thọ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp công tác giám sát phòng chống vi rút cúm A (H5) và các vi rút cúm gia cầm khác trên người, qua đó nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A (H5) và các dịch cúm gia cầm lây sang người gây ra.

Cụ thể, chủ động tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm tại địa phương; Tăng cường năng lực giám sát bệnh cúm A (H5) và các dịch cúm gia cầm lây sang người xâm nhập vào Việt Nam, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời, nhất là tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay; Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch; Phối hợp với ngành Thú y xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, không để lây lan sang người hoặc không để lây lan từ người sang người.

Song song với đó, ngành y tế tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch cúm A (H5) và các dịch cúm lây sang người xâm nhập vào Việt Nam cho cán bộ y tế các tuyến; Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp; Củng cố, duy trì hoạt động của đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tại các tuyến và tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian có dịch; Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh cá nhân phòng bệnh; Dự trữ, sẵn sàng hóa chất, thuốc men, trang thiết bị y tế kịp thời cho các đơn vị triển khai các biện pháp chống dịch, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt 4 biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Người mắc bệnh mạn tính, trẻ em là những người có nguy cơ mắc cúm cao, do đó không nên tiếp xúc với nguồn bệnh, đặc biệt khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

                                                                                           Nguyễn Hoài Nam

More
Thống kê
  • Hôm nay7
  • Tháng hiện tại533
  • Tổng lượt truy cập1.699.449
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ