Chi tiết bài viết - Sở Y tế
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ QUẢNG TRỊ
- 05-11-2024
- 28 lượt xem
Là một đơn vị trong nền y tế cách mạng Việt Nam, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị được hình thành và xây dựng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Lịch sử ngành Y tế tỉnh Quảng Trị trong tiến trình xây dựng và phát triển là liên tục các giai đoạn vượt khó để luôn góp phần cùng toàn tỉnh làm nên những thắng lợi đồng thời thực hiện ngày càng tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, cùng cộng đồng đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và hướng tới nền y tế công bằng, hiệu quả, nhân văn.
Ngành Y tế Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954):
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị xây dựng hệ thống y tế thích hợp với thời chiến vào năm 1947, ra nghị quyết về công tác xã hội- trong đó có lĩnh vực y tế vào năm 1950, đồng thời tổ chức y tế trong điều kiện gian nguy, thiếu thốn mọi bề. Trong giai đoạn này, Y tế Quảng Trị phát triển tổ chức y tế từ tỉnh đến cơ sở gồm bộ phận dược, Bệnh xá miền Bắc, Bệnh xá miền Nam, Y tế các huyện, Y tế xã, Y tế thôn, Y tế cơ quan. Phát động phong trào vệ sinh phòng dịch, tập trung chữa trị các bệnh phổ biến, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, cấp cứu chống càn và bảo vệ mùa màng, xây dựng và phát triển công tác dược, phát triển đào tạo, huấn luyện cán bộ chuyên môn. Tăng cường phối hợp với quân y, các ngành, đoàn thể, quan hệ với Ty Y tế Quảng Bình và Ty Y tế Thừa Thiên. Xây dựng Đảng và tổ chức quần chúng. Thành lập Công đoàn Y tế tỉnh. Tận tụy, hy sinh anh dũng, kiên cường bám sát cơ sở của cán bộ, nhân viên y tế. Thành tựu mà Y tế Quảng Trị đạt được trong kháng chiến chống thực dân Pháp là ý thức phòng bệnh của người dân rất tốt với các biểu hiện rõ ràng, cụ thể như ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, diệt trừ ruồi muỗi.
Ngành Y tế Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương được ký kết. Quảng Trị bị chia cắt bởi ranh giới tạm thời là sông Bến Hải. Ngành Y tế Quảng Trị bước vào giai đoạn phục vụ cuộc đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Genève, từng bước xây dựng lực lượng y tế cách mạng đủ sức phục vụ phong trào Đồng khởi, đấu tranh chống phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Trong giai đoạn này, ngành Y tế ra sức kiện toàn tổ chức phục vụ các cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị, chống Mỹ - ngụy mở rộng chiến tranh; phát triển dần tổ chức y tế trong tỉnh; triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng và phát triển ngành dược; tổ chức cấp cứu, chăm sóc, bảo vệ thương binh trong chiến dịch Mậu Thân…
Sau Hiệp định Genève, ngành Y tế Quảng Trị với lực lượng nòng cốt là Y tế Vĩnh Linh- tuyến đầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tỉnh nhà củng cố mạng lưới y tế cơ sở; xây dựng hệ thống y tế ở các nông trường và xí nghiệp; đầy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh phù hợp với điều kiện chiến tranh như vệ sinh hầm, hố, nhà tắm, nhà vệ sinh, vệ sinh giao thông hào, địa đạo; tổ chức tiêm chủng, thành lập Hội Đông y; đào tạo cán bộ; khẳng định việc tổ chức cấp cứu tại cơ sở thực sự là hình thức y tế thích hợp trong thời chiến; tổ chức khám chữa bệnh phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và góp phần làm thất bại các đợt tấn công đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1972 đến năm 1975, ngành Y tế phục vụ chiến đấu và xây dựng Quảng Trị giải phóng, đấu tranh chống âm mưu phá hoại Hiệp định Paris đồng thời phục vụ cuộc chiến đấu giải phóng phần đất còn lại của tỉnh, giải phóng toàn miền Nam mùa Xuân 1975 với nỗ lực tập trung ổn định và phát triển tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho dân trong điều kiện hòa bình, giải phóng.
Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ y tế ở phía Nam tỉnh Quảng Trị làm công việc chăm sóc sức khỏe và cấp cứu thương bệnh binh, góp phần đánh tan âm mưu bình định, dồn dân lập ấp của Mỹ - ngụy. Cơ sở y tế cách mạng ở phía Nam của tỉnh là những bệnh xá, đội phẫu thuật, đội cấp cứu lưu động và đội ngũ cán bộ hăng say công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho đến ngày thống nhất đất nước, hòa bình lập lại trên quê hương.
Từ Cách mạng Tháng Tám đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đã có 140 cán bộ của ngành y tế tỉnh Quảng Trị anh dũng hy sinh như Anh hùng Lực lượng vũ trang-liệt sĩ Lê Thị Tuyết, y sĩ-liệt sĩ Dư Quang Phổ (Hồ Nam), y sĩ-liệt sĩ Hồ Giảng, y sĩ Phan Văn Quả, Hoàng Kim Huê,...
Ngành Y tế Quảng Trị trong xây dựng hòa bình và công cuộc đổi mới (1975 - 2000)
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ngành Y tế Quảng Trị hòa nhập vào ngành Y tế của cả nước được Bộ Y tế chỉ đạo và hướng dẫn về tổ chức, nhiệm vụ. Từ tháng 4/1975 đến tháng 5/1976, Y tế Quảng Trị hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản các cơ quan y tế theo chức năng của mình.
Năm 1976, hệ thống y tế tỉnh Quảng Trị là một phần của ngành Y tế tỉnh Bình Trị Thiên với cơ sở vật chất ít được đầu tư xây dựng, trang thiết bị nghèo nàn và lạc hậu; Bệnh viện tỉnh có 200 giường bệnh; mỗi huyện có một bệnh viện với quy mô từ 50 giường bệnh đến 100 giường bệnh và đội vệ sinh phòng dịch, đội phòng chống sốt rét, đội sinh đẻ có kế hoạch; mỗi xã có một trạm y tế và từ 3 cán bộ đến 5 cán bộ không được hưởng lương mà chỉ được hưởng sinh hoạt phí bằng lúa mùa vụ do hợp tác xã chi trả.
Tháng 7/1989, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị được lập lại theo sự lập lại của tỉnh nhà với tổ chức Văn phòng Sở, 15 đơn vị trực thuộc Sở, đơn vị y tế tuyến huyện và thị xã, tổ chức dược, tổ chức bảo hiểm y tế, đơn vị y tế xã, tổ chức y tế tư nhân. Toàn ngành Y tế có gần 1.100 cán bộ, nhân viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh cũng như thực hiện các chương trình y tế dự phòng, các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện chưa triển khai được nhiều các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của toàn ngành Y tế trong thời kỳ này bao gồm: Truyền thông-giáo dục sức khỏe. Khám chữa bệnh. Phòng chống dịch bệnh với các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống sốt rét, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn có tỷ lệ tử vong cao, phòng chống rối loạn do thiếu Iode, phòng chống lao, phòng chống phong. Chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều trị các bệnh về mắt. Phục hồi chức năng. Dân số - kế hoạch hóa gia đình. Chương trình Phát triển sức khỏe cộng đồng. Chương trình Nâng cao năng lực điều hành, quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công tác dược. Đào tạo cán bộ - hoạt động khoa học kỹ thuật. Kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại. Quân - dân y kết hợp.
Ngành Y tế tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa (2000-2024)
Cùng với sự phát triển của đất nước, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có những bước chuyển mạnh mẽ từ dự phòng đến điều trị, từ y tế phổ cập đến y tế chuyên sâu. Ở tỉnh Quảng Trị, hệ thống y tế tiếp tục được hoàn thiện và phát triển, người dân ở phần lớn các địa phương trong tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, công tác vệ sinh phòng bệnh được chủ động triển khai nên khống chế và đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm, mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp, hệ thống cung cấp các dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng với nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Đến năm 2024, toàn tỉnh có 24 đơn vị y tế công lập và tổng số biên chế làm việc của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị là 3.520 người, trong đó có 690 bác sỹ. Đội ngũ nhân lực của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn với 38.57% có trình độ Đại học, 9.02% có trình độ sau Đại học, 16.12% có trình độ Cao đẳng, 27.86% có trình độ Trung cấp,.... Hiện nay, toàn tỉnh đã có 124/125 đơn vị tuyến xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 99.2%, 109/125 xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc thường xuyên, đạt 87.2% và tuyến thôn, bản có 870 nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 100%. Không ngừng nỗ lực, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn: Tiếp tục giữ vững thành quả phòng chống dịch Covid-19 và ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt rét. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai một số kỹ thuật mới như xạ trị điều trị ung thư, phẫu thuật cắt gan điều trị ung thư đường mật, phẫu thuật điều trị bệnh lý lõm ngực bẩm sinh, kỹ thuật laser nội mạch, holter huyết áp, đặt máy tái đồng bộ nhịp tim, điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser; triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, kết nối bệnh viện tuyến trên với cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới…
Trong sự phát triển của ngành Y tế tỉnh Quảng Trị luôn có những nhân tố tiêu biểu, điển hình của việc làm theo lời Bác. Đặc biệt, ngành Y tế đã gắn các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên trong mỗi hoạt động của từng cá nhân, tập thể; tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng đơn vị và ngành Y tế ngày càng phát triển. Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn, các phong trào thi đua đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh gắn với nỗ lực học tập, làm theo lời Bác của toàn ngành Y tế đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức về trách nhiệm của người cán bộ y tế, cơ sở y tế và tinh thần, thái độ phục vụ và chăm sóc người bệnh đúng như lời dạy Lương y phải như từ mẫu, thực hiện 12 điều Y đức và Quy tắc Ứng xử của cán bộ y tế, tạo dựng niềm tin đối với người bệnh và nhân dân, được khen tặng nhiều danh hiệu cao quý,…
***
Lịch sử ngành Y tế tỉnh Quảng Trị luôn in đậm dấu ấn của những thầy thuốc luôn tích cực thi đua làm theo lời Bác, không ngừng bồi dưỡng và rèn luyện để thực hiện nhiệm vụ rất vẻ vang là chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào, góp phần vun đắp truyền thống tốt đẹp của ngành y tế Việt Nam với rất nhiều thành tựu.
- Thủ tục hành chính
- Văn bản Y tế
- Thông tin Y tế
- Quản lý nhà nước
- Nghiệp vụ Y
- Y tế dự phòng
- Cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng
- Cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế
- Cơ sở đủ điều kiện quan trắc môi trương lao động
- Cơ sở an toàn xét nghiệm sinh học
- Cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện chất là thuốc phiện
- Công bố hợp quy nước sạch sinh hoạt
- Nghiệp vụ Dược
- An toàn – Vệ sinh thực phẩm
- Trang thiết bị y tế
- Thanh tra Y tế
- Tài chính Y tế
- Thông tin phổ biến pháp luật
- Chiến lược, quy hoạch phát triển
- Nghiên cứu khoa học
- Thông tin dự án, mua sắm công
- Chuyển đổi số
- Gương sáng ngành Y
- Thông tin tuyển dụng
- Thống kê Y tế
- Văn bản QPPL
- Tập huấn Bồi dưỡng công tác cải cách hành chính năm 2024
- Thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 theo Công văn số 627/QLD-CL ngày 28/02/2024
- Thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 3 theo Công văn số 598/QLD-CL ngày 29/02/2024
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các đơn vị y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
- Thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm theo Công văn số 390/QLD-MP ngày 29/01/2024...
- Hôm nay1
- Tháng hiện tại313
- Tổng lượt truy cập1.696.124