Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 6

  • Hôm nay 2941

  • Tổng cộng 1.698.751

Khó khăn trong thực hiện Đề án 818

10:44, Thứ Bảy, 26-3-2022

Để thực hiện Đề án 818, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo như Quyết định số 347/QĐ-SYT, ngày 15/4/2016 về việc triển khai đề án trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 44/KHSYT, ngày 16/9/2019 về việc “Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”… Các hoạt động truyền thông và cung cấp các sản phẩm tới người dân được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua các buổi hội nghị, hội thảo về CSSK cho người cao tuổi và giới thiệu một số sản phẩm trong khuôn khổ Đề án 818, tư vấn nhóm nhỏ, lồng ghép truyền thông với các buổi sinh hoạt của hội phụ nữ, nông dân, các buổi họp tại khu dân cư, khám thai định kỳ tại trạm y tế, tuyên truyền trên facebook, zalo và các kênh thông tin đại chúng... Đến năm 2020, đã chính thức thiết lập kênh phân phối cộng đồng với hơn 100 điểm cung cấp các sản phẩm tại trạm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

 

Theo kế hoạch, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh là đầu mối cung cấp và phân phối 28 sản phẩm trong khuôn khổ Đề án 818 bao gồm 9 mặt hàng phương tiện tránh thai (PTTT) như viên uống tránh thai Anna; bao cao su Hello, Young Love, Kimiko Plus… và 19 hàng hóa, thực phẩm chăm sóc sức khỏe như bột canxi, viên sắt tổng hợp Sentine Prenantal Formula, dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis, sản phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt MetaMom… Hiện tại, chi cục đã phân phối được các loại sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe Imuglucan, Glucankid, Baciplus, Tố nữ Hoàng sâm, dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro, gel bôi trơn Sensilove, vòng tránh thai Pregna+ Tcu 380A, viên uống tránh thai khẩn cấp BK1. Đây là những hàng hóa được quản lý chặt chẽ và kiểm định chất lượng của Bộ Y tế, giá thành phù hợp và góp phần thúc đẩy sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng.

 

Chị Nguyễn Thị Hương Hoài ở Khu phố 1, Phường 3, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Sau khi được cán bộ dân số tư vấn, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin như công dụng, nguồn gốc, giá thành của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, tôi đã mua thuốc bổ Glucankid cho con với mong muốn con tôi được hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp và cháu có thể ăn ngon miệng, hấp thu nhanh, phát triển cơ thể một cách tốt nhất. Hiện nay, tôi có nhu cầu mua bao cao su để thực hiện KHHGĐ nhưng trong danh mục sản phẩm thực hiện Đề án 818 tại huyện chưa có nên tôi phải mua ở các quầy thuốc tây”.

 

Quá trình thực hiện Đề án 818 ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp không ít khó khăn. Một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã, trạm y tế chưa nắm bắt chủ trương về công tác dân số trong tình hình mới, không nắm rõ công tác xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/ SKSS mà các cấp, các ngành đã chỉ đạo; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng phụ thuộc vào các dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ miễn phí nên chưa quen với việc tự chi trả, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đáng nói, tại các hội nghị, tập huấn, cán bộ dân số giới thiệu những sản phẩm của Đề án 818 thì một số cán bộ chủ chốt ở xã cho là bán hàng “đa cấp”. Ở một số địa phương chưa được mở rộng và chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong công tác xã hội hóa. Chị Nguyễn Thị Thanh, viên chức dân số xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các sản phẩm của Đề án 818 không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đối với những người có điều kiện kinh tế còn khó khăn thì vẫn còn tư tưởng trông chờ vào việc được cấp phát PTTT miễn phí, còn với người có kinh tế khá giả thường tìm đến các cửa hàng thuốc tây mua các sản phẩm mà họ cho là tốt hơn. Ngoài ra, một số sản phẩm cung ứng trong đề án còn mới, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm. Do vậy, đội ngũ viên chức dân số và cộng tác viên dân số khi tiếp thị những sản phẩm này gặp không ít khó khăn”.

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Nguyễn Hương Chương cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, thực hiện có hiệu quả Đề án 818, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó xác định việc củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động mạng lưới dịch vụ KHHGĐ phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Thực hiện cung cấp miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội; trợ giá PTTT và dịch vụ KHHGĐ cho người có thu nhập thấp, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa PTTT, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị, nông thôn, chuyển dần từ xã hội hóa từng phần, từng bộ phận, sang xã hội hóa hoàn toàn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác xã hội hóa Đề án 818. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS nhằm tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ thông qua các kênh thông tin đại chúng và đội ngũ cán bộ dân số. Tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền để mọi người thấy được lợi ích và nghĩa vụ của mình khi tham gia Đề án 818, góp phần đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình dân số”.

 

Ngọc Trang – Lệ Hà