Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số ở Cam Lộ

Thời gian qua, huyện Cam Lộ tập trung triển khai sâu rộng và có hiệu quả nhiều mô hình, đề án về dân số - KHHGĐ, trong đó có Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” (gọi tắt là Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh). Việc thực hiện tốt đề án này giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh như hội chứng Down, thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh…, góp phần giảm thiểu trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện, Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đã tích cực triển khai nội dung của đề án, chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về các nội dung bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh thông qua hội nghị, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, cung cấp các sản phẩm truyền thông; thường xuyên cập nhật và đưa các thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện và trên hệ thống loa truyền thanh tuyến xã, khu dân cư. Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức dân số, cộng tác viên dân số thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Qua đó, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến rõ rệt.

 

Chị Lê Thị Hồng Vân, xã Cam Thành chia sẻ: “Khi mang thai, tôi đã được cán bộ trạm y tế tư vấn những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Sau khi lấy mẫu máu sàng lọc, kiểm tra độ mờ da gáy và được bác sĩ kết luận con tôi khỏe mạnh, tôi thấy rất yên tâm. Sau này nếu sinh thêm con, tôi sẽ chủ động việc đi khám sàng lọc bởi con cái phát triển bình thường thì gia đình mới yên vui, hạnh phúc được”.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc được huyện chú trọng. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, y sĩ sản nhi của Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn được tập huấn và cấp chứng chỉ kỹ thuật lấy máu ngón tay sàng lọc trước sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh; cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số được tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án.

Qua gần 10 năm thực hiện, Đề án vẫn được tiếp tục duy trì tại 9/9 xã, thị trấn nhằm phát hiện Hội chứng Down, Edwards, Patau ở thai phụ và thiếu men G6PD, thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Tính đến nay, toàn huyện có 773 thai phụ sàng lọc trước sinh, trong đó không có trường hợp nào có nguy cơ cao và 827 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 7 trường hợp có nguy cơ cao (chiếm tỷ lệ 0,9%). Chỉ riêng năm 2019, có 140 viên chức dân số xã và cộng tác viên dân số trong toàn huyện được cung cấp thông tin về sàng lọc trước sinh, sơ sinh và các kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn sàng lọc; có 199 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt tỉ lệ 165,8% so kế hoạch năm và 169 trẻ được sàng lọc sơ sinh, đạt tỉ lệ 169% so với kế hoạch năm. Sau khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những trường hợp có nguy cơ cao đã được Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện Đại học Y Dược Huế tư vấn, hướng dẫn làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn huyện Cam Lộ còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất rõ ràng nhưng hiện nay số bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc chưa nhiều, vẫn còn không ít người dân chưa quan tâm đến việc tham gia sàng lọc. Nhiều thai phụ chưa chủ động đi sàng lọc mà chỉ đi khám thai với mục đích để biết trai hay gái, còn việc đo độ mờ da gáy, lấy mẫu máu họ đều chưa chú trọng; một số thai phụ đi không đúng thời điểm nên khó phát hiện các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Số lượng mẫu giấy thấm và bộ dụng cụ do trung ương cấp còn hạn chế so với nhu cầu của người dân...

Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ cho biết: “Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình nâng cao chất lượng dân số. Qua những năm triển khai trên địa bàn huyện, chúng tôi luôn cố gắng truyền đạt thông điệp “Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai giống nòi” cũng như mong muốn các cháu bị bệnh sẽ được phát hiện, điều trị sớm và phát triển hài hòa cả thể chất lẫn trí tuệ, đó là trách nhiệm và niềm vui những người làm công tác dân số. Để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, ngành y tế - dân số huyện tiếp tục tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, mở rộng xã hội hóa dịch vụ này để nhiều đối tượng được tham gia sàng lọc hơn, giúp phát hiện sớm bệnh tật và hạn chế tối đa việc để lại di chứng ở trẻ, góp phần tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số”.

Lệ Hà

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay5
  • Tháng hiện tại4416
  • Tổng lượt truy cập1.711.956
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ