Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Hướng dẫn thực hiện các nội dung về công tác tự chủ và tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 56/2022/TT-BTC.

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022;

Ngày 16 tháng 9 năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2022.

          Để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị căn cứ Nghị định 60/2021/NĐ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP và Thông tư 56/2022/TT-BTC tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

          1. Về Phương án tự chủ, phân loại mức độ tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện tại UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 8/8/2022 về phân loại đơn vị tự chủ các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, Tại Điểm 1 Điều 20 Thông tư 56/2022/TT-BTC nêu rõ - Đối với đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt và rà soát lại phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp đơn vị có thay đổi về mức độ tự chủ tài chính, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”. Các đơn vị có thay đổi về mức độ tự chủ, Sở Y tế yêu cầu thực hiện cụ thể như sau:

          - Việc xác định mức độ tự chủ tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 4,  Điều 6  Thông tư số 56/2022/TT-BTC  (các ví dụ về cách xác định mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Mục B -Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2022/TT-BTC).

          - Phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị; lập dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 56/2022/TT-BTC; báo cáo Sở Y tế (theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2022/TT-BTC). Căn cứ phương án tự chủ tài chính do đơn vị đề xuất Sở Y tế sẽ tổng hợp, thẩm tra phương án phân loại mức độ tự chủ tài chính và dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu của thời kỳ ổn định gửi Sở Tài chính xem xét, có ý kiến làm cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc.

- Thời kỳ ổn định tự chủ tài chính lần đầu được áp dụng đến năm 2025.

          2. Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.

          Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 56/2022/TT-BTC, trong đó lưu ý:

2.1. Về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản: Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ. Trình tự, thủ tục, tính logic khi ban hành văn bản pháp lý.

2.2. Về các căn cứ pháp lý để xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm: Hệ thống các văn bản quy định tiêu chuẩn định mức chi và chế độ quản lý tài chính của Nhà nước; Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và đặc điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao; Dự toán chi ngân sách Nhà nước giao hàng năm thực hiện chế độ tự chủ tài chính.

2.3. Nội dung mẫu quy chế chi tiêu nội bộ theo Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 56/2022/TT-BTC; một số nội dung chi cụ thể đặc thù tại đơn vị

2.4. Về mục đích xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ:

- Tạo quyền chủ động trong việc quản lý và chi tiêu tài chính cho Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, viên chức trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Là căn cứ để Kho bạc Nhà nước quản lý, kiểm soát thanh toán các khoản chi tiêu của đơn vị qua Kho bạc Nhà nước và để các cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo dõi, kiểm tra theo quy định.

- Sử dụng tài sản đúng mục đích, có hiệu quả.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Công bằng trong đơn vị; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút và giữ được những người có năng lực trong đơn vị

....

2.5. Nguyên tắc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ: Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo nguyên tắc phù hợp với khả năng cân đối nguồn tài chính của đơn vị, trong phạm vi nguồn kinh phí được giao.

- Bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

- Các nội dung, mức chi của Quy chế không được vượt quá tiêu chuẩn, chế độ quy định hiện hành của Nhà nước;

- Thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức, nhân viên;

- Thực hiện tuân thủ chế độ chứng từ kế toán theo quy định hiện hành, trừ trường hợp thực hiện khoán chi theo quy chế chi tiêu nội bộ và quy định của pháp luật….

2.6. Quy chế chi tiêu nội bộ cần được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn; báo cáo Sở Y tế trước khi ban hành.

2.7.  Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, Sở Y tế sẽ xem xét có ý kiến yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại các nội dung chi chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Sau thời hạn trên, nếu Sở Y tế không có ý kiến, Thủ trưởng đơn vị ký ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ để triển khai thực hiện; đồng thời gửi Sở Y tế, Sở Tài chính để theo dõi, giám sát thực hiện và Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

          2.8. Thời hạn gửi Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023 về Sở Y tế: trước ngày 15 tháng 12 năm 2022.

          Đối với quy chế các đơn vị đã ban hành trước thời điểm văn bản này hướng dẫn, đề nghị các đơn vị điều chỉnh bổ sung đúng quy định tại Thông tư 56/2022/TT-BTC và hướng dẫn nêu trên.

          3. Về chế độ báo cáo tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp.

          - Định kỳ hàng năm đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ tài chính về Sở Y tế để tổng hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP trước ngày 10 tháng 02 năm sau (theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2022/TT-BTC). Thời hạn chốt số liệu báo cáo định kỳ hàng năm tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/01 của năm sau.

          - Năm cuối của thời kỳ ổn định (năm 2025) đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo để xây dựng phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo.

Lan - Quỳnh

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay4
  • Tháng hiện tại1687
  • Tổng lượt truy cập1.700.603
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ