Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Ngành y tế chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh mùa bão lụt

Trước tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa bão lụt 2024 sắp tới, ngành Y tế Quảng Trị đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng các phương án ứng phó thiên tai nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại ở mức thấp nhất. Kế hoạch khống chế không để dịch bệnh phát sinh, phát triển và lây lan ra cộng đồng cũng được ngành lên kế hoạch triển khai.

Người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường trước mùa bão lụt để phòng ngừa dịch bệnh

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong mùa bão lụt năm 2024 gây ra, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh... Tinh thần chung là không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc trách nhiệm được giao.

Các đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt tình hình diễn biến của bão lũ để chủ động các phương án phòng chống. Kiểm tra, rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai tại đơn vị, trong đó lưu ý về việc đảm bảo an toàn tính mạng con người, vật tư tài sản, nhà cửa của cơ quan. Tổ chức di dời, sơ tán cơ sở y tế ở các vùng trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần...

Song song với đó, các đơn vị chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa bão lụt; bảo đảm cung ứng đủ hóa chất khử khuẩn, thuốc chữa bệnh thiết yếu, không để bị động, bất ngờ. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, xe cấp cứu, cơ số thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao, nhất là cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương để kịp thời ứng cứu khu vực bị ảnh hưởng của bão lụt khi được điều động.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khi có thảm họa, thiên tai xảy ra. Ngay sau khi thiên tai, bão lụt qua đi, các đơn vị cần nhanh chóng vệ sinh môi trường, sửa chữa lại nhà cửa nhằm đảm bảo hoạt động chuyên môn không bị gián đoạn, đáp ứng công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân.

Bên cạnh việc chủ động phương án ứng phó thiên tai, Sở Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong mùa bão lụt theo hướng dẫn của ngành y tế.

Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân...

Khi bão lụt xảy ra, các đơn vị tiến hành kiểm tra, theo dõi nắm bắt tình hình ngập lụt, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt. Hướng dẫn cán bộ y tế và người dân triển khai hoạt động vệ sinh môi trường tại khu vực bị ngập lụt.

Sau khi xảy ra bão lụt, cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt. Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.

Thực hiện phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường, khử khuẩn đến đó để không xảy ra dịch bệnh. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ...

Do đó, để chủ động phòng tránh dịch bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị nhằm tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

                                                                                                      Hoài Nam

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay16
  • Tháng hiện tại686
  • Tổng lượt truy cập1.694.112
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ