Chi tiết tin - Sở Y tế

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11: Nhận diện nguy cơ và tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường

Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính được đặc trưng bởi lượng đường trong máu (hoặc đường máu) tăng cao, theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho tim, mạch máu, mắt, thận và dây thần kinh. Phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường typ2 (chiếm từ 85-95%) thường ở người lớn, xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin.

Đại dịch mang tính toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính được đặc trưng bởi lượng đường trong máu (hoặc đường máu) tăng cao, theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho tim, mạch máu, mắt, thận và dây thần kinh. Phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường typ2 (chiếm từ 85-95%) thường ở người lớn, xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin. Trong 3 thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 đã tăng lên đáng kể ở các quốc gia thuộc mọi mức thu nhập. Bệnh đái tháo đường typ1(chiếm khoảng 5%) từng được gọi là bệnh đái tháo đường vị thành niên hoặc đái tháo đường phụ thuộc insulin, là một tình trạng bệnh lý mãn tính trong đó tuyến tụy tự sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, việc tiếp cận với phương pháp điều trị hợp túi tiền, bao gồm cả insulin là rất quan trọng đối với sự sống còn của họ. Mục tiêu đã được thống nhất trên toàn cầu là ngăn chặn sự gia tăng bệnh đái tháo đường và béo phì vào năm 2025.

Đến nay, khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, phần lớn sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và 1,5 triệu ca tử vong trực tiếp do bệnh này mỗi năm. Cả số ca mắc và tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đều tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua. Dự kiến năm 2030 sẽ ở mức 578 triệu người.và 700 triệu người vào năm 2045.

         Tại Việt Nam, Bộ y tế cho biết có khoảng gần 4 triệu người đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.

“Kẻ giết người thầm lặng” và giải pháp dự phòng

Bệnh nhân ĐTĐ luôn bị đe dọa bởi các biến chứng cấp và mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Nguy hiểm nhất là nguy cơ hạ đường huyết (cấp) và biến chứng tim mạch... Một nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể trở nên nguy hiểm đối với tính mạng của bệnh nhân ĐTĐ. Các biến chứng này cùng với stress không chỉ làm chất lượng sống của người bệnh giảm đi mà còn làm hao tổn cả tuổi thọ, do đó bệnh ĐTĐ được xem là “kẻ giết người thầm lặng”.Theo các chuyên gia y tế từ WHO: Một người ở lứa tuổi 40- 50 được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ sẽ mất đi trung bình là 10 năm sống. Người mắc ĐTĐ typ 2 có bệnh lý mạch vành cao gấp 2 - 6 lần so với người không bị ĐTĐ. Chi phí cho điều trị bệnh ĐTĐ là một chi phí phức tạp, tổng hợp của nhiều yếu tố do nó phải gắn liền với giải quyết biến chứng của bệnh, đặc biệt là những người phải nằm viện thì các biến chứng thường chiếm tới 2/3 tổng chi phí điều trị. Chi phí cho quản lý sức khỏe của người mắc bệnh ĐTĐ gấp 2-4 lần người không mắc bệnh này, bao gồm cả thuốc, trang thiết bị, xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí thường xuyên đi khám bệnh... Ngoài các chi phí trực tiếp thì xã hội phải gánh vác các khoản chi phí gián tiếp cho bệnh nhân ĐTĐ như chất lượng sản phẩm lao động bị giảm sút do lo lắng, nghỉ ốm, nghỉ mất sức...Tác động của tử vong và biến chứng sớm do ĐTĐ lên sức sản xuất, chi phí tài chính và xã hội là rất lớn, bởi bệnh ĐTĐ typ 2 xảy ra ở độ tuổi từ 26-64 - lứa tuổi lao động chính tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng và cho mỗi gia đình.

    Để sớm nhận biết bệnh đái tháo đường, Bác sỹ Trịnh Minh Hưng -Trưởng khoa Lão học tại BVĐK tỉnh khuyến cáo: Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô, ngứa da nên những người từ 30 tuổi trở lên, đặc biệt là những người béo phì, cao huyết áp, những người trong gia đình có tiền sử bị đái tháo đường nên đi khám tầm soát sức khỏe định kỳ vì bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người lần đầu đi khám mới biết mình bị bệnh.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh nói chuyện chuyên đề về Bệnh không lây nhiễm

              Phòng ngừa bệnh đái tháo đường bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và giảm cân như: Ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây; thức ăn giàu chất xơ, hạn chế thực phẩm đã qua chế biến, tập thể dục đều đặn 30 phút/ mỗi ngày….. Để làm làm giảm tỷ lệ mắc mới của bệnh hoặc làm chậm thời gian phát bệnh trên lâm sàng đối với những người có nguy cơ cũng như làm chậm xuất hiện các biến chứng và/hoặc làm giảm mức độ nặng của các biến chứng đối với những người mắc bệnh thì điều quan trọng cần làm là đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục cho cộng đồng, cho nhân viên y tế, cho người bệnh hiểu về bệnh ĐTĐ. Người dân cần nhận diện rõ nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ và nhanh chóng tiếp cận chăm sóc y tế, tự giác thực hiện các nguyên tắc phòng chống bệnh là yếu tố then chốt bảo đảm quản lý thành công bệnh.

                                                                                                  ThsBs Lê Thạnh

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay14
  • Tháng hiện tại412
  • Tổng lượt truy cập1.667.647
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ