Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 1373

Tổng lượt truy cập: 1.499.366

Nỗ lực khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

13:52, Thứ Tư, 6-7-2022

Tỉ số giới tính khi sinh phản ánh mức cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tại Quảng Trị trong những năm gần đây, tỉ số này cao hơn mức sinh học tự nhiên và là bài toán khó đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), đã và đang thu hút sự quan tâm của ngành chuyên môn và cộng đồng xã hội.

Theo số liệu chuyên ngành dân số, từ năm 2010 tỉ số giới tính khi sinh của Quảng Trị là 109 trẻ nam/100 trẻ nữ và tốc độ tăng lại diễn ra khá nhanh. Đặc biệt, tỉ số số này tăng liên tục trong 3 năm, cụ thể: Năm 2016 là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2017 là 112,6 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2018 là 112,8 trẻ nam/100 trẻ nữ, tăng bình quân 0,25 điểm phần trăm/ năm. Như vậy, tỉ số giới tính khi sinh ở địa phương đang ở mức cao, thiếu ổn định.

 Trước đây, đối tượng vi phạm chính sách dân số thường sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, nhưng nay chủ yếu diễn ra ở thành thị, vùng đông dân cư, người dân có nhận thức cao nhưng do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 - 2 con song vẫn mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai, vì vậy đã tìm đến các dịch vụ y tế để hỗ trợ sinh con theo ý muốn. Đồng thời, các ấn phẩm hướng dẫn việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn được lưu hành khá phổ biến, từ đó đã góp phần gia tăng tỉ số giới tính khi sinh.

Viên chức dân số xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Chí Thảo chia sẻ: “Hiện nay, tuy xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, nhưng vẫn có không ít người giữ tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”, tâm lý muốn có con trai để “nối dõi tông đường” đã ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, kể cả trong đội ngũ cán bộ, công chức, người có địa vị xã hội. Mặt khác, nhiều người lạm dụng sự phát triển của y học hiện đại để lựa chọn giới tính thai nhi. Do đó, gây khó khăn cho những người làm công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách DS - KHHGĐ nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn xảy ra”.

 Nhận thức rõ hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. UBND tỉnh đã triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025.

 Trên cơ sở đó, ngành y tế - dân số tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về bình đẳng giới như: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Trị, Đài PT - TH Quảng Trị, các trang mạng xã hội, đài truyền thanh tuyến huyện và hệ thống truyền thanh xã, thôn, khu phố. Các biện pháp khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh được tăng cường thông qua hoạt động phối hợp liên ngành như: Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho thành viên ban chấp hành các chi hội ở cơ sở; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông chuyên đề về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho công nhân tại các khu công nghiệp và các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các trường THPT, THCS tổ chức sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về giới, bình đẳng giới cho học sinh.

 Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho những người có uy tín trong cộng đồng. Đưa nội dung về chính sách dân số, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn. Ngoài ra, lồng ghép đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào quy ước, hương ước xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đẩy mạnh truyền thông nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10.

 Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông tại hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản. Riêng trong năm 2021, ngành Y tế - dân số tổ chức hơn 200 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin về nguyên nhân, thực trạng, hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh cho hơn 4.260 đại biểu là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể và người dân tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Đăng tải hơn 560 tin, bài, chuyên trang trên báo viết và gần 300 chương trình phát thanh, truyền hình về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã góp phần làm chuyển biến công tác dân số, tỉ số giới tính khi sinh tại tỉnh đang giảm dần qua các năm: Năm 2019 là 111,2 trẻ nam/100 trẻ nữ, năm 2020 là 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2021 là 110,97 trẻ nam/100 trẻ nữ.

 Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Nguyễn Hương Chương cho biết: “Để từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh và tiến tới trở về mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH bền vững của tỉnh cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

 Đối tượng ưu tiên được tuyên truyền là phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tiếp tục thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới thích hợp tại trường học. Nêu cao vai trò và sự thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, cũng như nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi”.

Các tin khác