Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Nguy cơ và giải pháp ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới: Sốt rét hiện nay vẫn đang là một bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Hàng năm trên toàn thế giới ghi nhận hàng trăm triệu trường hợp mắc và khoảng 400.000 trường hợp tử vong. Bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở Châu Phi và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Nhờ có sự đầu tư nguồn lực to lớn từ Chính phủ và chính quyền các cấp, các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét trong thời gian qua tại Quảng Trị đã thu được nhiều kết quả tích cực: số ca mắc sốt rét giảm từ 5.501ca (năm 2001) xuống còn 07ca (năm 2020), không có tử vong, dịch bệnh được khống chế.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thu được, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp với sự di biến động dân cư lớn, mạng lưới y tế chưa ổn định, hạn chế về nguồn lực và gia tăng tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.

Hơn nữa, sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium ở người gây nên. Bệnh lây lan theo đường máu do muỗi Anopheles truyền. Có 5 loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) gây bệnh cho người là: Plasmodium falciparumPlasmodium vivaxPlasmodium malariaePlasmodium ovale và Plasmodium knowlesi với chu kỳ phức tạp vừa ở muỗi vừa ở người và có nhiều thể (tư dưỡng, phân liệt, giao bào) và có nhiều giai đoạn (giai đoạn tiền hồng cầu, giai đoạn trong hồng cầu) nên việc điều trị gặp không ít khó khăn vì cùng lúc phải điều trị cắt cơn sốt, chống tái phát và chống lây lan.


Nhân viên y tế xã Xy kéo máu tìm ký sinh trùng sốt rét tại cộng đồng

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới: Sốt rét hiện nay vẫn đang là một bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Hàng năm trên toàn thế giới ghi nhận hàng trăm triệu trường hợp mắc và khoảng 400.000 trường hợp tử vong. Bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở Châu Phi và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới và của Quỹ Toàn cầu hiện này tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trên toàn thế giới trong những năm tiếp theo hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này bên cạnh các nỗ lực phải tập trung giải quyết các ổ bênh/ổ dịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì cũng cần dành một nguồn lực thích đáng để giải quyết tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, đặc biệt với chủng P.falciparum.

Sốt rét kháng thuốc luôn là một thách thức lớn trong công tác phòng chống sốt rét ở các nước. Sốt rét kháng Artemisinin, một loại thuốc có hiệu lực cao trong điều trị sốt rét từ năm 1990 đến nay, là một khó khăn lớn, mới xuất hiện và lan rộng tại các nước Tiểu vùng sông Mê Công như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, đặc biệt là vùng biên giới Thái Lan - Campuchia. Các nước đều có chung biên giới, có sự gắn kết về lịch sử, chính trị và kinh tế trong khối ASEAN, có mối quan hệ hợp tác trong thực hiện dự án phòng chống các bệnh lây nhiễm do Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ. Sốt rét kháng thuốc Artemisinin đang đe dọa những thành quả đã đạt được trong việc làm giảm số tử vong và số mắc sốt rét ở cả 5 nước, nguy hiểm hơn nữa nếu sốt rét kháng thuốc Artemisinin lan rộng ra các nước khác sẽ đe dọa thành quả phòng chống và loại trừ sốt rét trên toàn cầu.

Tại Việt Nam,artemisinin và dẫn chất artesunate được tiến hành thử nghiệm lâm sàng và chính thức đưa vào sử dụng vào những năm 1990 có vai trò quan trọng trong việc hạ thấp tỷ lệ mắc và tử vong. Phối hợp dihydroartemisinin-piperaquine phosphate (DHA-PPQ/DHA-PIP) là một trong 5 thuốc phối hợp ACTs được Tỏ chức Y tế thế giới khuyến cáo và được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới tại các vùng sốt rét lưu hành và kháng thuốc. Tại Việt Nam, DHA-PPQ vẫn là thuốc còn được sử dụng để điều trị sốt rét P.falciparum.

Báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết:Tình trạng ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng thuốc lan rộng cả về diện phân bố và mức độ kháng thuốc tại các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam và Khánh Hòa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ký sinh trùng sốt rét có xu hướng tăng dần sức chịu đựng với loại thuốc này (giảm mức độ nhạy cảm với arterakin). Tại 4 tỉnh mà Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tiến hành nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy có 2 tỉnh là Gia Lai và Ninh Thuận tỷ lệ khỏi bệnh vẫn là 100% nhưng đã giảm ở Quảng Trị (khỏi bệnh giảm còn 95,5%) và giảm rất thấp ở Bình Phước (khỏi bệnh giảm còn 61,1%).Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu ký sinh trùng sốt rét trên toàn cầu tức là tỷ lệ P. falciparum và P. vivax gần tương đương ở một số điểm nóng trong đó có Việt Nam; mặc dù hiệu lực thuốc chloroquin điều trị sốt rét P. vivax còn cao (> 95%), nhưng tại các nước láng giềng và khu vực Tây Thái Bình Dương đã biểu hiện kháng với tỷ lệ từ 5-21% (Papua New Guinea, Campuchia, Thái Lan,..), điều này càng gây khó khăn trong loại trừ sốt rét, đe dọa đến thành quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, theo Dự án Phòng chống sốt rét quốc gia cho biết, trong quá trình phòng chống sốt rét ở Việt Nam, P.falciparum đã dần kháng với hầu hết các loại thuốc sốt rét thông dụng với mức độ tùy theo loại thuốc và địa bàn.Từ năm 1980 trở lại đây hiện tượng P.falciparum kháng thuốc chloroquin lan khắp cả nước, đặc biệt ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Với Artemisinin và dẫn xuất tại một số điểm nghiên cứu gần đây cho thấy dihydroartemisin - piperaquine vẫn cho tỷ lệ khỏi bệnh cao (>90%) với chủng P.falciparum nhưng tỷ lệ còn ký sinh trùng vào ngày D3 khá cao (Gia Lai 22,8%; Quảng Nam 30%; Bình Phước 50%; Đăk Nông 29,2%; Ninh Thuận 10,9%; Khánh Hòa 17,4%).Trong 5 năm qua, tỷ lệ người bệnh có ký sinh trùng dương tính ở ngày thứ 3 (D3) sau điều trị tăng liên tục tại các tỉnh có sốt rét kháng thuốc và tỉnh Bình Phước là nơi có tình hình sốt rét kháng thuốc nghiêm trọng nhất với tỷ lệ D3 tăng từ 38% lên 57%, tỷ lệ thất bại điều trị tăng từ 0% năm 2012 lên 7% vào năm 2014, 26% vào năm 2015 và 46,3% vào năm 2016.

Tại Quảng Trị qua theo dõi tình hình sốt rét nhiều năm cho thấy tỷ lệ chủng ký sinh trùng sốt rét P.falciparum vẫn chiếm ưu thế (80-85%) và năm 2017 cũng ghi nhận có 5 ca ký sinh trùng P.falciparum dương tính vào ngày D3 sau khi điều trị tại huyện Hướng Hóa. Một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc là tình trạng dân di biến động dân số lớn giữa các nước, các tỉnh trong khu vực có kháng thuốc, bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị.

Trong bối cảnh giao lưu lớn do làm ăn, buôn bán, thăm thân, du lịch… việc nhiễm ký sinh trùng từ nơi khác về không chỉ ở trong nước và ngay cả những nước giáp biên giới có mức độ kháng thuốc cao thì vấn đề kháng thuốc sẽ xuất hiện và làm cho công tác điều trị nhằm hạ thấp tỷ lệ mắc và tử vong gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét thường quy như giám sát, phun, tẩm hóa chất, khoanh vùng và xử lý ổ bênh/ổ dịch cũng cần chú ý đến vấn đề ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc trong thời điểm hiện nay.

Sốt rét kháng thuốc diễn biến ngày càng phức tạp,lan rộng theo “vết dầu loang” và có hiện tượng “nhảy cóc” do đó, cán bộ y tế các tuyến cần thực hiện một số khuyến cáo sau: Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt rét và tuyên truyền về hiệu quả của việc uống thuốc sốt rét đúng, đủ liều khi bị nhiễm bệnh sốt rét cho người dân và khi có sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ thuốc sốt rét các loại, đặc biệt là sử dụng phác đồ chống kháng khi có tình trạng kháng thuốc xảy ra trên địa bàn và các trang thiết bị vật tư xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị sốt rét các tuyến. Chuyển tuyến trên an toàn, kịp thời đối với những trường hợp diễn biến nặng.

Bộ Y tế đặt ra mục tiêu loại trừ sốt rét do P.falciparum vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030, vì vậy ngành Y tế cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạ thấp số ca mắc sốt rét dưới 1/1.000 dân sống trong vùng sốt rét lưu hành và không có ca lây nhiễm tại chỗ, ngăn chặn tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư nguồn lực, người dân tham gia tích cực và chủ động thì việc loại trừ sốt rét ra khỏi Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng mới thành hiện thực.

Ths.Bs.Lê Thạnh
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị
  

More
Thống kê
  • Hôm nay3
  • Tháng hiện tại472
  • Tổng lượt truy cập1.702.491
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ