Chi tiết bài viết - Sở Y tế

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với toàn ngành Y tế, các đơn vị Y tế tại cơ sở đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.  Trong đó, một giải pháp được xem có ý nghĩa hết sức quan trong là nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại cộng đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với toàn ngành Y tế, các đơn vị Y tế tại cơ sở đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.  Trong đó, một giải pháp được xem có ý nghĩa hết sức quan trong là nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại cộng đồng.

Vừa trở về trụ sở sau khi hoàn thành hoạt động phun hóa chất diệt muỗi tại địa bàn khu phố 1, phường 5, Thành phố Đông Hà, chị Nguyễn Thị Trà My- Thư ký Chương trình phòng, chống SXH của Trạm Y tế phường 5 thuộc Trung tâm Y tế Thành phố Đông Hà cho biết: Địa bàn khu phố 01 hiện có 02 điểm nguy cơ về dịch SXH, do đó chúng tôi đang quyết liệt tăng cường các hoạt động phòng, chống chủ động. Sau khi tiến hành phun hóa chất, chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các chỉ số để báo cáo lên cấp trên nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả tiếp theo. Song song với đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với khu phố và các nhân viên Y tế cộng đồng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH theo khuyến cáo của ngành Y tế. Điều đáng mừng là nhận thức về phòng, chống dịch bệnh SXH của người trên địa bàn khu phố 1 rất tốt. Họ tích cực phối hợp với địa phương và ngành Y tế trong việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống SXH tại nhà. Do đó, mặc dù xuất hiện các điểm nguy cơ song diễn biến tình hình dịch bệnh tại đây vẫn đang được chúng tôi kiểm soát tốt.

 

Cùng tham gia hoạt động  này, chị Phan Thị Mai- nhân viên Y tế cộng đồng khu phố 1, phường 5, Thành phố Đông Hà chia sẻ tiếp: Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn thường xuyên với nhiều hình thức như tận dụng các mạng xã hội, tuyên truyền qua loa đài, phát tờ rơi, thăm hộ gia đình, nhận thức của người dân tại địa bàn khu phố 1 đã được nâng lên rõ rệt, người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh SXH cũng như biết cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đặc biệt trong thời điểm này, họ đã chủ động hưởng ứng các hoạt động phòng, chống dịch SXH mà Trạm Y tế và chính quyền địa phương phát động bằng cách thực hiện ngủ màn, dọn dẹp, xử lý những vật dụng chứa nước có lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy, đậy các dụng cụ chứa nước để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng…

 

Từng là địa bàn trọng điểm về dịch bệnh SXH của thành phố Đông Hà, liên tục từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát từ Trung tâm Y tế Thành phố Đông Hà, Trạm Y tế phường 5 thường xuyên tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung trên địa bàn và dịch bệnh SXH nói riêng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, Trạm tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên Y tế cộng đồng triển khai các hoạt động phòng, chống SXH. Cụ thể, ngay trong Tết Nhâm Dần đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH trên địa bàn toàn phường 5; Triển khai chủ động tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh SXH Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH; Triển khai tổng vệ sinh môi trường phòng, chống SXH 01 tuần/ 01 lần trên phạm vi toàn phường; Chủ động tổng vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi nơi ghi nhận ca bệnh và ổ dịch SXH; Các hoạt động được tập trung thực hiện bao gồm hướng dẫn, vận động người dân ngủ màn, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, khai thông cống rãnh xung quanh nhà; loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết, hướng dẫn người dân thay nước bình hoa, bể cá, chậu cảnh, đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt của gia đình … để diệt loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng, truyền bệnh SXH. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát các ổ dịch cũ trên địa bàn; Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức đa dạng khác nhau như tuyên truyền qua loa phát thanh của các khu phố, tuyên truyền trên các kênh Fabook, Zalo và lồng ghép vào các cuộc họp, tập huấn, hội thảo…. nhằm chuyển tải thông tin, kiến thức về phòng, chống SXH đến với người dân một cách hiệu quả.

 

Sau khi cùng cán bộ Trạm Y tế và Đoàn Thanh niên thực hiện hoạt động tổng vệ sinh môi trường, bà Lê Thị Vân ở khu phố 7, phường 5, Thành phố Đông Hà cho biết: Hiện nay, gia đình chúng tôi hết sức cảnh giác với các nguy cơ gây bệnh SXH mà Trạm Y tế đã tuyên truyền, do đó, chúng tôi thường xuyên thực hiện theo các biện pháp phòng bệnh mà Trạm Y tế hướng dẫn. Theo tôi được biết thì SXH rất nguy hiểm khi mắc phải, do đó, bản thân tôi và gia đình trước hết phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình chứ không chủ quan như trước đây.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến giữa tháng 8/2022, phường 5 đã ghi nhận 8 ca mắc SXH nằm rải rác tại các khu phố trên địa bàn phường. Phường có 01 ổ dịch khởi phát đầu tháng 7 tại khu phố 5 và đã kết thúc. Trên địa bàn ghi nhận có 6 điểm nguy cơ về dịch SXH, trong đó có 3 điểm nguy cơ kết thúc 14 ngày và 3 điểm đang hoạt động tiếp tục được theo dõi các chỉ số một cách chặt chẽ. Hiện nay, với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường được xem là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ dịch bệnh SXH bùng phát, gia tăng trên địa bàn được nhận định rất cao. “ Với một địa bàn rộng, đông dân, ý thức một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý chủ quan, ỷ lại vì cho rằng chống dịch là nhiệm vụ của ngành Y tế nên trong quá trình triển khai công tác phòng, chống SXH chúng tôi còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định. Nhất là việc tiếp cận trong hoạt động điều tra chỉ số côn trùng và tuyên truyền phòng, chống SXH tại một vài điểm dân cư. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH hiện nay, để khống chế sự gia tăng và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng tôi chủ trương tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai các hoạt động SXH trên địa bàn; Thường xuyên tổ chức họp định kỳ đánh giá tình hình, triển khai công tác phòng, chống chủ động dịch bệnh SXH; Bố trí đảm bảo nhân lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung cũng như SXH nói riêng; Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc, các ổ dịch SXH và triển khai công tác xử lý các ổ dịch kịp thời, đúng quy định; Triển khai hiệu quả hoạt động phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa bàn nguy cơ; Phối hợp, giám sát hỗ trợ các khu phố triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy đạt hiệu quả; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm cung cấp các thông tin về SXH, các biện pháp, kỹ thuật diệt loăng quăng, bọ gậy để người dân chủ động, tự giác phòng, chống SXH tại cộng đồng. Đồng thời tăng cường lồng ghép truyền thông phòng, chống SXH vào các buổi họp của các ban, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn”- Bác sĩ Nguyễn Thị Tố Huyền- Trạm trưởng Trạm Y tế phường 5 cho biết./.

                                                                                                    Phương Thảo

More
Thống kê
  • Hôm nay3
  • Tháng hiện tại1204
  • Tổng lượt truy cập1.668.439
SỞ Y TẾ QUẢNG TRỊ

SỞ Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ

Người chịu trách nhiệm: Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở
Địa chỉ: 34 Trần Hưng Đạo – Phường 1 – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333.3852.583; Fax: 0233.3852.586
 
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ