Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 3

  • Hôm nay 7774

  • Tổng cộng 1.715.314

Chính phủ ban hành chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030

Ngày đăng: 23-10-2020

 

Để cụ thể hóa mục tiêu chung đặt ra, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 đã ban hành 14 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Trong đó có nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng như: 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030; Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030; Tăng tỷ lệ Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...); Nâng tỷ lệ số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025; 50% năm 2030…

Theo đó, phạm vi của Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 triển khai trên toàn quốc. Tập trung tại các tỉnh, thành phố và địa bàn có tỷ lệ người cao tuổi cao hơn bình quân chung của cả nước; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030, Chương trình xây dựng song song 6 nhiệm vụ và giải pháp đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Nghiên cứu, hợp tác quốc tế và Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030 được thực hiện từ năm 2021 đến 2030 và chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2021-2025) sẽ tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi; tổ chức các hoạt động quản lý, nâng cao năng lực cho các trạm y tế cấp xã; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao theo phương thức xã hội hóa…Giai đoạn 2 (2026-2030): Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1; lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình đã triển khai có hiệu quả; bổ sung các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động cũng như hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở rộng các mô hình.

Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, phương tiện để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn quốc; Tổ chức kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình qua đó điều chỉnh các chính sách, biện pháp và mở rộng các mô hình can thiệp toàn diện đối với các nội dung trọng tâm thực hiện công tác dân số và phát triển hiện nay.

       Bài, ảnh: Văn Hưng

            (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Trị)