Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 13

  • Hôm nay 2023

  • Tổng cộng 1.700.939

Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần góp phần xây dựng xã hội khỏe mạnh

Ngày đăng: 10-10-2023

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe tâm thần (SKTT) là một trạng thái sức khỏe cho phép mỗi người nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những  khó khăn trong cuộc sống bình thường, có khả năng ứng xử bằng cảm xúc và hành vi hợp lý trước mọi tình huống, có khả năng tạo dựng và duy trì cũng như phát triển thỏa đáng các mối quan hệ đồng thời có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây căng thẳng, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp với cộng đồng. Trước đại dịch COVID-19, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKTT, gia tăng tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch. Do đó, việc chăm sóc SKTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong chăm sóc sức khỏe mọi người.

Hoạt động thể chất lành mạnh tích cực hỗ trợ chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần

Số liệu khảo sát của Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp tại Việt Nam hiện nay là 14,9% dân số, tức là trong cả nước có gần 15 triệu người bị rối loạn tâm thần. Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc SKTT giai đoạn 2023-2030 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức vào ngày 3/8/2023 tại Hà Nội đã nhấn mạnh: Một số nghiên cứu xác định, hàng tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đang có tác động sâu hơn đến SKTT của con người, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn và phá hủy SKTT của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của cả rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng tăng mà phổ biến là rối loạn trầm cảm, trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề SKTT chung, trầm cảm trong khi mang thai, trầm cảm sau sinh, trầm cảm ở người bệnh ung thư phổi, già hóa dân số gây ra những tác động to lớn,… Bên cạnh đó, các mặt bệnh của rối loạn tâm thần có sự đa dạng thêm như lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý. Đóng góp vào những nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng rối loạn tâm thần có nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh, tỷ lệ người khuyết tật cao (trong đó có khuyết tật thần kinh), hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc SKTT do dịch vụ SKTT chủ yếu có ở cơ sở chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Các đại biểu tham gia Hội thảo đã cùng nhau thảo luận các nội dung của đề án, từ việc tăng cường lãnh đạo, điều hành, phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương và huy động xã hội trong chăm sóc SKTT; nâng cao SKTT và dự phòng các rối loạn tâm thần; củng cố hệ thống chăm sóc SKTT để cung cấp dịch vụ y tế và xã hội toàn diện, lồng ghép, liên tục và dựa vào cộng đồng... Các giải pháp trọng tâm cũng đã được các đại biểu đề xuất nhằm bảo đảm tính tiếp cận, khả năng chi trả và bao phủ y tế toàn dân trong chăm sóc SKTT của mọi người trong suốt cuộc đời, trong đó chú trọng đến trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, người cao tuổi và các nhóm yếu thế khác; bảo đảm quyền con người, loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người có rối loạn tâm thần, tăng cường sự tham gia của người có rối loạn tâm thần và gia đình họ trong quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách, luật pháp và kế hoạch về chăm sóc SKTT.

Ở tỉnh Quảng Trị, các hoạt động bảo vệ và chăm sóc SKTT tại cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế Phòng chống bệnh không lây nhiễm duy trì mạng lưới chăm sóc SKTT từ tỉnh, huyện, xã, thôn. Với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu ngành trong hoạt động y tế dự phòng và khám chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động phòng chống, khám sàng lọc, quản lý điều trị các rối loạn tâm thần và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí. Trong 9 tháng đầu năm 2023, khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm thuộc Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị thực hiện quản lý 3.253 người bệnh tâm thần, phát hiện mới 142 người mắc các rối loạn tâm thần đồng thời phối hợp Phòng khám Đa khoa điều trị khỏi cho 57 người bệnh tâm thần và hiện đang điều trị các rối loạn tâm thần cho 3.196 người bệnh, trong đó có 1.530 người bệnh tâm thần phân liệt, 1.560 người bệnh động kinh và 106 người bệnh trầm cảm. Các hoạt động chuyên môn được đơn vị triển khai gồm khám và điều trị bệnh tâm thần nhân tại phòng khám chuyên khoa, thăm và giám sát người bệnh tâm thần được quản lý điều trị tại cộng đồng mỗi quý 1 lần, tập huấn chuyên môn với y tế tuyến huyện và tuyến xã, cấp phát thuốc điều trị các rối loạn tâm thần với y tế tuyến huyện.SKTT của cộng đồng, cán bộ và nhân viên y tế triển khai Chương trình Chăm sóc SKTT tại cộng đồng của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị thực hiện khám và cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần, hướng dẩn các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã về tổ chức các hoạt động của chương trình, kiểm tra và giám sát việc quản lý điều trị bệnh tâm thần tại cộng đồng. Qua đó, bác sỹ chuyên khoa 1 chuyên ngành tâm thần Nguyễn Viết Kỳ và bác sỹ chuyên khoa cơ bản (định hướng) tâm thần Nguyễn Thị Phi Long, cử nhân điều dưỡng Võ Thị Sương chủ động phối hợp Thư ký chương trình SKTT huyện, thị xã và thành phố trong công tác để chăm sóc sức khỏe của người bệnh tâm thần trong toàn tỉnh ngày một tốt hơn. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, điều được các cán bộ và nhân viên y tế này rất quan tâm là tư vấn với người bệnh và người nhà của người bệnh về cách bảo vệ SKTT như tập thể dục, có thái độ tích cực trước mọi vấn đề trong cuộc sống, có những giấc ngủ ngon, ăn nhiều loại trái cây và rau củ, dành thời gian cho sở thích lành mạnh của cá nhân cũng như với gia đình và bạn bè, rèn luyện và nâng cao kỹ năng sắp xếp công việc, giải quyết tốt các vấn đề trong cuộc sống.

Hỗ trợ cộng đồng bảo vệ và chăm sóc tốt SKTT là ngành y tế cùng toàn xã hội xây dựng thế giới cân bằng, khỏe mạnh trên nền tảng sức khỏe của mọi người luôn ở trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội để cùng nhau tạo được đời sống vững mạnh trong tương lai.

Bài và ảnh: THỤC KHANH