Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 6

  • Hôm nay 839

  • Tổng cộng 1.699.755

Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Hướng Hóa

11:16, Thứ Bảy, 26-3-2022

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, toàn huyện Hướng Hóa có 512 trường hợp tảo hôn, trong đó cả hai vợ chồng tảo hôn 116 cặp, vợ hoặc chồng tảo hôn 396 cặp. Nguyên nhân tảo hôn chủ yếu là do trình độ văn hóa của người dân còn thấp. Việc kết hôn được thực hiện theo phong tục tập quán lạc hậu; nhiều gia đình coi việc lấy vợ, lấy chồng của con cái là để trong nhà có thêm nguồn nhân lực lao động nên không quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào tuổi vị thành niên, thiếu kiến thức về pháp luật; biện pháp xử lý các trường hợp tảo hôn của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh, còn thiếu kiên quyết. Tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em gái. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác. Trẻ em buộc phải kết hôn sớm sẽ bị cản trở việc học hành, ảnh hưởng đến phát triển tư duy, không được vui chơi, tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, khả năng lao động kiếm sống thấp hơn người trưởng thành dẫn đến tỉ lệ đói nghèo tăng cao...

 

Một hoạt động bổ ích góp phần phòng tránh kết hôn sớm của mô hình câu lạc bộ trẻ em gái ở Hướng Hóa

Nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn, năm 2019 huyện Hướng Hóa đã chọn thôn Thanh 1 để phát động điểm thôn không có tảo hôn. Đây là thôn có 105 hộ/600 nhân khẩu, trong đó có hơn 225 trẻ em, 100% người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Riêng năm 2018, tại thôn Thanh 1 có 6 cặp tảo hôn. Việc chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và sự can thiệp của Ban quản lý thôn Thanh 1 về vấn đề tảo hôn tại địa bàn thôn là rất cần thiết. Bình quân 3 tháng 1 lần, dưới sự điều hành của ban quản lý thôn, thôn Thanh 1 tổ chức sinh hoạt 1 lần với các nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Điều 183 Bộ Luật hình sự, Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP đã đưa ra những chế tài, hình phạt dành cho hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trẻ em, các kỹ năng phòng ngừa, can thiệp nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng tránh tảo hôn trẻ em. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí có sự tham gia của trẻ em, tuyên truyền về phòng tránh tảo hôn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, vui Tết Trung thu, khai giảng năm học mới…. Bên cạnh đó, lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống kết hôn sớm vào các cuộc họp hằng tháng của thôn. Trong quy ước thôn không tảo hôn cũng đã đưa ra các mức phạt cụ thể đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật để tạo tính răn đe cho người dân.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh, Hồ Thị Tê cho biết: “Sau gần 1 năm phát động, thôn không tảo hôn ở Thanh 1 đã huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương. Nhờ vậy, mô hình có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là không xảy ra trường hợp tảo hôn. Người dân được nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em, tác hại của tảo hôn, từ đó cùng động viên nhau tạo điều kiện cho con em được đến trường học tập tốt hơn. Các bậc phụ huynh tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ cùng với trẻ và quan tâm đến phát triển tâm sinh lý cũng như các mối quan hệ xã hội của con cái; tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao và các hoạt động xã hội; vận động con em trong gia đình kết hôn đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng tảo hôn; không tổ chức lễ cưới cho con, cháu chưa đến tuổi kết hôn”.

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền trẻ em cũng như công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu sâu, rõ và chính xác hơn các chính sách, pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức trong CSSKSS/DSKHHGĐ, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Tư vấn, nói chuyện chuyên đề cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh để nâng cao nhận thức về CSSKSS.

Từ năm 2015 - 2020, toàn huyện đã tổ chức 2.096 cuộc truyền thông với hơn 12.100 lượt người tham gia; cung cấp 2.410 tờ rơi cho 2.082 lượt người tại các xã, thị trấn trong huyện; tổ chức 106 cuộc tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 835 lượt người; tổ chức 131 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia đề án với 3.489 người tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo thanh niên, vị thành niên, trẻ em gái, các ông bố bà mẹ, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và người dân. Nội dung sinh hoạt của các mô hình thường lồng ghép tuyên truyền, vận động CSSKSS/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; phòng tránh kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống...

Qua 5 năm triển khai thực hiện (từ 2015 - 2020), tình trạng tảo hôn ở Hướng Hóa giảm nhiều so với trước đây, đặc biệt là không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Nhiều xã, thị trấn giảm mạnh số cặp tảo hôn như Thanh, Lao Bảo, Lìa, Hướng Lộc, Húc... Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Phạm Trọng Hổ cho biết: “Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai tốt Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xác định rõ hình thức, nội dung, đối tượng tư vấn, tuyên truyền. Nhân rộng các câu lạc bộ, các tổ, nhóm, mô hình, trong đó khuyến khích trẻ em gái đã tảo hôn tham gia. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh. Cung cấp dịch vụ CSSKSS vị thành niên, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật cho cán bộ, công chức và cộng tác viên, tình nguyện viên thôn, bản, xã”.

Lệ Hà