Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 890

Tổng lượt truy cập: 1.525.600

Khó khăn thách thức trong Phòng chống sốt rét cho nhóm dân di biến động

7:47, Thứ Năm, 6-4-2023

Nhiều người dân tại các vùng sốt rét lưu hành trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tập quán làm việc và ngủ tại nương rẫy trong suốt thời gian mùa vụ, một số ít thì vào rừng khai thác lâm thổ sản và săn bắn trái phép nên khả năng nhiễm bệnh rất cao.

Thời gian gần đây, tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm thấp về tỷ lệ mắc bệnh, số ký sinh trùng sốt rét và tử vong do sốt rét.Tuy nhiên,trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 tại một số địa phương trên địa bàn hai huyện trọng điểm sốt rét là Hướng Hóa và Đakrông ghi nhận báo cáo có số ca mắc tăng cao so với năm 2021và khó kiểm soát. Bên cạnh đó sốt rét cũng đang đối mặt với một số thách thức mới trong thời gian tới như: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; muỗi sốt rét kháng hóa chất; sốt rét do giao lưu biên giới, đặc biệt sốt rét trên nhóm dân di biến động mà ngành Y tế rất khó kiểm soát.

Tình nguyện viên Nguyễn Thị Thùy Loan xã A Dơi thăm hộ gia đình sống ở bìa rừng

Các nhóm đối tượng chính có nguy cơ mắc sốt rét gồm:Dân cư di biến động giao lưu qua lại biên giới, đi rừng, ngũ rẫy; người dân sống ở bìa rừng để tăng gia sản xuất và chăn nuôi; những người đi rừng trong khoảng thời gian ngắn như: lực lượng an ninh, người khai thác gỗ, người đi săn bắn, khách du lịch, người đi làm thuê và nhiều đối tượng khác; lực lượng bộ đội biên phòng giáp ranh biên giới và người đi trồng rừng. Đối với những nhóm đối tượng này, nguy cơ gia tăng sốt rét vẫn tiềm ẩn tại các vùng có sốt rét lưu hành và không lưu hành do hoạt động đi rừng, ngủ rẫy dài ngày mà hệ thống y tế không thể tiếp cận được, không đủ khả năng phát hiện và quản lý bệnh nhân.Trong khi đó, véc-tơ truyền bệnh sốt rét vẫn hiện hữu. Vì vậy, các biện pháp bảo vệ khó đảm bảo để bảo vệ cho các cộng đồng dân cư này.

Nhiều người dân tại các vùng sốt rét lưu hành trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tập quán làm việc và ngủ tại nương rẫy trong suốt thời gian mùa vụ, một số ít thì vào rừng khai thác lâm thổ sản và săn bắn trái phép nên khả năng nhiễm bệnh rất cao.Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ cho các đối tượng này hết sức khó khăn. Hiện nay, để khống chế véc-tơ truyền bệnh thì biện pháp phun hóa chất diệt muỗi và ngủ màn tẩm hóa chất là biện pháp phòng bệnh chính nhưng việc phun hóa chất chỉ thực hiện được ở nhà cố định trong thôn bản.

\         

  Nhân viên Y tế thôn bản sử dụng tranh lật truyền thông PCSR cho dân di biến động

      Biện pháp tẩm màn hóa chất cũng chưa thực sự phù hợp vì diện tích nhà/chòi tạm bợ ở trong nương, rẫy quá nhỏ để có thể treo màn; hơn nữa, nhiều người dân vẫn có thói quen không ngủ màn. Biện pháp quản lý điều trị cũng rất khó thực hiện vì các nhà rẫy nằm rải rác khắp nơi trong nương, trong rừng sâu. Một thách thức nữa ở nhóm đối tượng này là khi bị sốt rét ở xa cơ sở y tế nên có nguy cơ bị sốt rét ác tính và tử vong hay khi bị nhiễm sốt rét trở về nhà trở thành mối nguy cơ tiềm tàng và khả năng làm lây lan ra cộng đồng rất cao.

        Để công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp của ngành y tế thì cần có sự phối hợp liên ngành và vào cuộc của chính quyền các cấp trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là những người dân sống ở vùng có nguy cơ cao, các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, ở xa cơ sở y tế.

`      Cung cấp miễn phí màn, võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu thời gian dài, phù hợp với người dân sống trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành nặng và vừa, bao gồm cả dân di cư tự do, dân qua lại biên giới, người đi rừng, ngủ rẫy, hộ gia đình nghèo (đối với các vùng có bệnh sốt rét lưu hành nhẹ, tuyên truyền, vận động người dân tự mua màn và xây dựng thói quen ngủ màn thường xuyên).

Tăng cường các biện pháp phát hiện bệnh sốt rét sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ liều lượng theo quy định của Bộ Y tế, trong đó chú trọng việc phát triển và duy trì hoạt động có hiệu quả các điểm kính hiển vi tại xã, liên xã; củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường năng lực giám sát cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ y tế xã và y tế thôn bản nhằm quản lý đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, phát hiện nhiễm ký sinh trùng sốt rét sau khi đi rừng, rẫy trở về để khống chế sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét.

Loại trừ sốt rét là mục tiêu cuối cùng nhưng chỉ có thể thành công khi giải quyết tốt và bền vững việc phòng chống sốt rét cho quần thể dân di biến động.

                 ThsBs Lê Thạnh - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

Các tin khác