Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1577

Tổng lượt truy cập: 1.527.197

Triệu Phong đẩy mạnh thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh

17:24, Thứ Tư, 6-7-2022

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc được huyện chú trọng. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, y sĩ sản nhi của Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế các xã, thị trấn đã được tập huấn và cấp chứng chỉ kỹ thuật lấy máu ngón tay sàng lọc trước sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh; đội ngũ cán bộ viên chức dân số và cộng tác viên dân số được tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia sàng lọc.

Thời gian qua, huyện Triệu Phong tích cực triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” (gọi tắt là Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh) và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại Triệu Phong, Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được triển khai từ năm 2010 tại 10 xã, thị trấn. Đến năm 2011, đề án được mở rộng lên 19/19 xã, thị trấn. Để đề án triển khai thực hiện có hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong đã chủ động xây dựng kế hoạch, các văn bản tổ chức thực hiện và tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông, tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các đối tượng là phụ nữ mang thai; những cặp vợ chồng mới kết hôn; nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội nghị cung cấp thông tin, các buổi tư vấn nhóm nhỏ, các buổi sinh hoạt các câu lạc bộ...

Đồng thời, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã; treo pano, áp phích, băng rôn tại các trạm y tế, các tuyến đường chính. Đội ngũ cán bộ dân số trên địa bàn huyện thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Qua đó, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh có những chuyển biến rõ rệt.

 Chị Hoàng Thị Thúy An, xã Triệu Tài chia sẻ: “Tôi có sinh một đứa con bị dị tật, chính vì vậy khi mang thai lần này, tôi rất lo lắng. Được các y, bác sĩ tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc, tôi đã được lấy mẫu máu ngón tay và đo độ mờ da gáy nhằm sớm phát hiện các bệnh liên quan đến dị tật của thai nhi. Sau khi sinh xong, vợ chồng tôi sẽ cho cháu thực hiện sàng lọc sơ sinh để giúp cháu phát triển khỏe mạnh cho những năm tiếp theo”.

 Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc được huyện chú trọng. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, y sĩ sản nhi của Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế các xã, thị trấn đã được tập huấn và cấp chứng chỉ kỹ thuật lấy máu ngón tay sàng lọc trước sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh; đội ngũ cán bộ viên chức dân số và cộng tác viên dân số được tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia sàng lọc. Vì vậy, hiện nay Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế đều đã tiến hành thực hiện lấy mẫu máu của bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh gửi vào Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Trường Đại học Y dược Huế xét nghiệm.

 Qua hơn 10 năm thực hiện, đề án đã giúp người dân thấy được lợi ích của thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh trong việc giúp phát hiện sớm một số bệnh, tật của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trong giai đoạn 2011 - 2021, toàn huyện có 2.192 lượt thai phụ sàng lọc trước sinh, trong đó có 21 trường hợp nghi ngờ mắc hội chứng down, bất thường nhiễm sắc thể và 993 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 17 trường hợp có nguy cơ cao thiếu men G6PD và thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh. Chỉ riêng trong năm 2021, toàn huyện có 365 lượt phụ nữ mang thai được khám sàng lọc, đạt tỉ lệ 91,25% so với kế hoạch năm và đạt 304% so với kế hoạch được hỗ trợ, trong đó có 2 trường hợp nghị ngờ mắc dị tật bào thai; đã có 84 trẻ được sàng lọc sơ sinh, đạt 23,3% so với kế hoạch năm và đạt 70% so với kế hoạch được hỗ trợ, trong đó có 2 trường hợp có nguy cơ cao thiếu men G6PD.

 Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn. Một số phụ nữ mang thai chưa hiểu hết được lợi ích của việc sàng lọc nên chưa tự giác đến cơ sở y tế thực hiện sàng lọc. Một số thai phụ sàng lọc không đúng thời gian quy định nên khó phát hiện các dị tật của thai nhi. Hiện nay, còn rất nhiều đối tượng cần được sàng lọc nhưng số mẫu sàng lọc miễn phí của đề án phân bổ về cho địa phương có hạn. Bên cạnh đó, người dân còn chưa chủ động tham gia vào hoạt động xã hội hóa sàng lọc do điều kiện kinh tế còn khó khăn...

 Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong Lê Thị Cảnh Hoa cho biết: “Hầu như phụ nữ mang thai hiện nay ở huyện đều quan tâm đến việc sàng lọc để theo dõi con mình phát triển thế nào, có bị dị tật gì hay không. Chính nhờ vào sàng lọc nên giảm được số lượng trẻ chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để đề án được triển khai hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, ngành y tế - dân số huyện tăng cường tuyên truyền và huy động xã hội cùng tham gia mở rộng, nâng cao chất lượng đề án; đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh. Tiếp tục duy trì và mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ theo cả hai hình thức: Miễn phí và xã hội hóa, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ cơ bản tại địa phương và được tư vấn, quản lý cả trước, trong, sau khi thực hiện sàng lọc, giúp phát hiện sớm bệnh tật và hạn chế tối đa việc để lại di chứng ở trẻ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của địa phương”.

Các tin khác