Chi tiết bài viết - Sở Y tế

THÔNG TIN LIÊN KẾT

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 8

  • Hôm nay 69

  • Tổng cộng 1.695.880

Ứng phó tốt với bệnh đái tháo đường để bảo vệ sức khỏe

8:28, Thứ Ba, 14-11-2023

5 năm trước, bố của mình qua đời sau gần 10 năm sống chung với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), chị Đ.Th.H. bắt đầu quan tâm tới những thông tin và kiến thức về phòng chống căn bệnh phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận, đột quỵ và phải cắt cụt chân. Ngoài 40 tuổi, chị Đ.Th.H. dần dần áp dụng các khuyến cáo của ngành y tế trong việc thực hiện các hành vi ngăn ngừa bệnh ĐTĐ trong cuộc sống thường nhật của bản thân và gia đình. “Tôi ít ngồi lâu hơn trước rất nhiều khi xử lý công việc ở văn phòng và sau khi ăn đồng thời cũng tự mình cùng hai con dọn dẹp nhà cửa chứ không gọi người giúp theo giờ hoặc buổi như trước. Biết rằng tuy là bệnh không lây nhiễm nhưng mắc ĐTĐ có yếu tố gia đình nên tôi thực hành các bài tập thể dục phù hợp với mình là chạy nhẹ 15 phút vào mỗi sáng sớm và đi bộ 30 phút mỗi tối, đặc biệt lưu tâm chọn các loại thực phẩm không làm tăng chỉ số đường huyết. Khi biết có buổi tập huấn hay nói chuyện về phòng bệnh ĐTĐ tại cộng đồng ở gần nhà ngoại ngoài Vĩnh Linh là tôi nhờ em gái đăng ký và cố gắng tham gia để trực tiếp nghe bác sỹ, cán bộ y tế hướng dẫn biện pháp phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này”, chị Đ.Th.H. nói khi được hỏi về cách phòng bệnh ĐTĐvới chính mình và người thân.

Tham gia đi bộ vì sức khỏe cộng đồng góp phần truyền thông phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường. Ảnh: Bội Nhiên

Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ ĐTĐ ở Việt Nam là hơn 7%, tương đương hơn 5 triệu người và số người bị tiền ĐTĐ cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Đáng lo ngại là số người mắc ĐTĐ đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được các cơ sở y tế quản lý, điều trị chiếm 23,3%; hơn 55% người mắc ĐTĐ hiện đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, gần 40% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% có biến chứng về thận,... Theo dự báo của các chuyên gia, số người mắc ĐTĐ của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ở tỉnh Quảng Trị, đến tháng 9/2023, tổng số người mắc bệnh ĐTĐ được các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh phát hiện là 6.472 người, trong 9 tháng đầu năm 2023 phát hiện 689 người mắc bệnh ĐTĐ và có 5.777 người bệnh ĐTĐ đang được quản lý điều trị, có 843 người bệnh được điều trị đạt đường máu mục tiêu. Về tình hình tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị đã xác định có 51 người bệnh ĐTĐ tử vong, trong đó có 2 người từ 30 tuổi đến 40 tuổi, 1 người từ 40 tuổi đến 50 tuổi, 7 người từ 50 tuổi đến 60 tuổi, 13 người từ 60 tuổi đến 70 tuổi, 28 người từ 70 tuổi trở lên.

ĐTĐ là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (ĐTĐ typ 1, phụ thuộc insulin) hoặc khi cơ thể sử dụng insulin do nó tạo ra không hiệu quả (ĐTĐ typ 2, không phụ thuộc insulin) mà thường là kết quả của tình trạng dư thừa trọng lượng cơ thể và không hoạt động thể chất dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc ĐTĐ typ 2 có thể cần được lưu tâm là tăng huyết áp, béo phì, tiền ĐTĐ, gia đình từng có người mắc ĐTĐ typ 2, rối loạn lipid máu, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, người trên 45 tuổi, người có thói quen sức khỏe không lành mạnh trong lối sống,… Những kiến thức này được các bác sỹ khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị phổ biến với hàng trăm người dân, hội viên Hội Người cao tuổi, hội viên Hội Nông dân, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia thông qua các buổi tập huấn kết hợp nói chuyện chuyên đề tổ chức ở xã Hướng Hiệp thuộc huyện Đakrông, xã Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh, thị trấn Cam Lộ thuộc huyện Cam Lộ,… “Nghiêm túc tiếp nhận kiến thức cơ bản để phòng và phát hiện sớm bệnh ĐTĐ cũng như thân tình bảo nhau hàng ngày chú ý thực hiện những việc có ý nghĩa nâng cao sức khỏe và không duy trì những hành vi nguy cơ dẫn tới mắc bệnh là biểu hiện rất đáng mừng của những người tham gia tập huấn và nói chuyện về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, nhất là phòng chống ĐTĐ. Về chuyên môn, chúng tôi tin là khi có ý thức và thực hành tốt các biện pháp phòng chống đã được khuyến cáo, mọi người có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, ủng hộ ngành y tế trong việc đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh ĐTĐ để hạn chế số người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh ĐTĐ trong cộng đồng”, bác sỹ Võ Khắc Mạnh ở Phòng chống bệnh không lây nhiễm thuộc Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị nói.

Áp dụng nguyên lý Y học gia đình trong quản lý và điều trị bệnh ĐTĐ và các bệnh không lây nhiễm khác là bước tiến mới của ngành y tế trong thời gian gần đây. Theo nguyên lý Y học gia đình, người dân từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc, đánh giá nguy cơ mắc ĐTĐ tại Trạm Y tế (TYT) xã, phường, thị trấn để được ngành y tế cập nhật vào phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm và được điều trị sớm bởi cán bộ TYT đã được đào tạo về dự phòng, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ĐTĐthường xuyên cập hướng dẫn mới nhất về quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ tại y tế cơ sở. Chính thức triển khai quản lý bệnh ĐTĐ theo nguyên lý Y học gia đình từ năm 2019, tất cả cán bộ chuyên trách hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm nói chung và đái tháo đường nói riêng trong hệ thống y tế công lập của tỉnh Quảng Trị được tập huấn kiến thức và áp dụng chuyên môn có hiệu quả tích cực với người bệnh, đến nay đã có hơn 20 TYT triển khai quản lý điều trị ĐTĐ và tiền ĐTĐ. Việc áp dụng nguyên lý Y học gia đình, các TYT giúp người dân địa phương được sàng lọc, tầm soát bệnh ĐTĐ một cách thuận tiện đồng thời được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp về các biện pháp phòng chống tại các chương trình tập huấn do khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị phối hợp y tế địa phương tổ chức. Về điều trị, người bệnh ĐTĐ được nhận thuốc tại TYT với sự tư vấn sử dụng thuốc và dinh dưỡng, tập luyện để  ổn định đường huyết và phòng các biến chứng,... “Tôi và hầu hết những người thường hay cùng nhau đến cơ sở y tế để được biết nguy cơ của chính mình và chuẩn bị cách ứng phó nếu mắc bệnh ĐTĐ đều hiểu xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Qua những tư vấn của cán bộ y tế, chúng tôi tin là hoàn toàn có thể phòng chống được bệnh ĐTĐ khi thực hành dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý nên duy trì mỗi ngày để tránh mắc bệnh ĐTĐ. Và rất mừng là người bệnh ĐTĐ hiện nay được ngành y tế áp dụng phương pháp quản lý điều trị rất hay, nhiều người tuân thủ tốt chỉ định của bác sỹ nên sức khỏe được ổn định, ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ, chị Đ.Th.H. nói.

Hỗ trợ điều kiện thuận lợi nhất để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong ứng phó với bệnh ĐTĐ là nỗ lực của ngành y tế nhằm khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong do bệnh ĐTĐ vì sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

BỘI NHIÊN