Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 147

Tổng lượt truy cập: 1.528.766

Nỗ lực để trẻ sinh ra có sức khỏe tốt

10:56, Thứ Bảy, 26-3-2022

Thời gian qua, huyện Triệu Phong đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” (Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh). Đây là cơ hội để trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Năm 2011, Triệu Phong là 1 trong 6 huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được triển khai thí điểm Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Để thực hiện đề án có hiệu quả, ngành dân số - y tế địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể... tổ chức các buổi truyền thông, hội nghị nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Thông qua việc lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, đã cung cấp các sản phẩm truyền thông, tờ rơi, áp phích về đề án; thường xuyên cập nhật và đưa các thông tin trên trang thông tin điện tử của huyện và trên hệ thống loa truyền thanh tuyến xã, thôn, khu dân cư. Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức dân số, cộng tác viên dân số thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh có những chuyển biến tích cực.

 

Đến nay, ở Triệu Phong đã có hàng chục nghìn đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, mới kết hôn, nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai... được tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chị Hoàng Thị Thúy An ở thôn An Trú, xã Triệu Tài chia sẻ: “Khi mới lập gia đình và đến lúc mang thai, tôi được cộng tác viên dân số đến nhà để tư vấn khám sàng lọc trước sinh, vì vậy tôi đã thực hiện đầy đủ các mốc thời gian sàng lọc. Đến khi sinh em bé, các y, bác sĩ tư vấn lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc sơ sinh và tôi đã tự nguyện đồng ý. Qua tìm hiểu, bản thân tôi và gia đình nhận thấy chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất cần thiết”. Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì việc nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia sàng lọc được huyện chú trọng. Đội ngũ y bác sĩ sản nhi của trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã, thị trấn được các bác sĩ của Trường Đại học Y dược Huế và các bác sĩ tuyến tỉnh tập huấn, cấp chứng chỉ lấy máu ngón tay sàng lọc trước sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh. Hàng trăm lượt cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số cũng được tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn đối tượng tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

 Qua 10 năm thực hiện đề án, đến nay toàn huyện có 1.827 thai phụ được sàng lọc trước sinh, trong đó có 19 trường hợp nghi ngờ mắc dị tật bào thai (chiếm tỉ lệ 1,04%) và 908 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 10 trường hợp có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh (chiếm tỷ lệ 1,1%). Chỉ riêng năm 2020, trên địa bàn có 434 lượt bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh trên tổng số 925 bà mẹ mang thai trong năm, đạt tỉ lệ 113,5% so kế hoạch năm và 207 trẻ được sàng lọc sơ sinh trên tổng số 831 trẻ sinh ra sống trong năm, đạt tỉ lệ 47,5% so với kế hoạch năm, đạt 172,5% so với kế hoạch được hỗ trợ. Các trường hợp nguy cơ cao đều được tư vấn đến các cơ sở y tế hướng dẫn làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định. Bác sĩ Lê Thị Cảnh Hoa, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong cho biết: “Các bà mẹ mang thai và sinh con tại đơn vị luôn được các y bác sĩ tư vấn rất kỹ cho sản phụ và gia đình sản phụ biết về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Hiện tại, đơn vị đã thực hiện sàng lọc được các bệnh như bất thường nhiễm sắc thể, thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh…Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn như số bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc chưa nhiều, một số thai phụ chưa chủ động đi sàng lọc mà chỉ đi khám thai với mục đích để biết giới tính thai nhi và đi không đúng thời điểm nên khó phát hiện các dị tật bẩm sinh ở trẻ”.

 Để nâng cao chất lượng giống nòi, Nghị quyết số 21 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Bác sĩ Lê Thị Cảnh Hoa cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tăng cường công tác tập huấn truyền thông, tư vấn, quản lý đối tượng cho đội ngũ viên chức dân số xã, cộng tác viên dân số. Đồng thời, tăng cường mở rộng xã hội hóa dịch vụ sàng lọc để nhiều đối tượng được tham gia hơn nữa, giúp phát hiện sớm bệnh tật và hạn chế tối đa việc để lại di chứng, đảm bảo cho thế hệ trẻ sinh ra có sức khỏe tốt, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

 

Lệ Hà

Các tin khác