Chi tiết tin - Sở Y tế

Thư viện ảnh
Thống kê

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 170

Tổng lượt truy cập: 1.532.484

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em

15:10, Thứ Ba, 10-10-2023

          Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của Làm mẹ an toàn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Chính vì vậy, thời gian qua, các nội dung giáo dục sức khoẻ về Làm mẹ an toàn đã được ngành y tế quan tâm triển khai thực hiện, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Với chủ đề “Làm mẹ an toàn- Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”, Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 được ngành y tế triển khai từ ngày 1-7/10/2023. Qua đó nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em góp phần thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, Ông Trần Văn Thịnh cho biết: “Trong tuần lễ này, chúng tôi sẽ tăng cường mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo sự ủng hộ toàn xã hội đặc biệt là chính quyền các cấp về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, cổ động, cung cấp các tài liệu truyền thông đến với các địa phương, trong đó chú trọng đến các địa phương thuộc khu vực II, III của tỉnh Quảng Trị. Tôi mong rằng tất cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, các cán bộ y tế, mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình và mọi người hãy quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em. Hãy tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ làm mẹ an toàn để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Quảng Trị nói riêng và của cả nước nói chung”.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh để tham gia hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn.

Đakrông là một huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, một số tập tục như trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em những năm gần đây đã được chú trọng hơn trước, tuy nhiên vẫn còn tình trạng phụ nữ có thai chưa được quản lý thai nghén, một số phụ nữ còn đẻ tại nhà, phụ nữ sau sinh chưa được chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai và sinh con là một thách thức rất lớn. Trước thực trạng đó, huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện tình trạng tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông - Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân huyện Đakrông, Ông Nguyễn Đăng Sơn cho biết thêm: “Trong Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm 2023, mỗi trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ triển khai tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn. Bên cạnh đó, sẽ triển khai truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về làm mẹ an toàn để thông tin tới người dân. Đồng thời thực hiện lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn phụ nữ mang thai đến cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sẽ tăng cường hơn các dịch vụ liên quan đến Làm mẹ an toàn, tập trung vào 3 gói dịch vụ chăm sóc trước sinh, hỗ trợ chăm sóc trong sinh, hỗ trợ chăm sóc sau sinh”.

Đối với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, ban sẽ thực hiện vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ ủng hộ và tham gia các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn. Đồng thời tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và y tế thôn, bản làm nồng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông. Lồng ghép các nội dung về Làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng. Phối hợp tuyên truyền vận động phụ nữ mang thai tiếp cận với cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh.

Chị Hồ Thị Tâm, thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông cho hay: “Làm mẹ an toàn - nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho cả người mẹ và trẻ em, nhưng muốn đạt được hiệu quả không phải chỉ có ngành Y tế mà còn cần sự phối hợp thực hiện của các ban ngành đoàn thể, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bản thân tôi nhận thức đầy đủ về việc chăm sóc đúng cách trong suốt 3 giai đoạn: trước, trong và sau khi sinh đối với phụ nữ mang thai là rất quan trọng. Việc hướng dẫn và thực hiện một cách đầy đủ, xử lý kịp thời các dấu hiệu bất thường cho thai phụ của cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản rất cần thiết. Do vậy, phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần thực hiện khám tư vấn về sức khỏe sinh sản định kỳ tại trạm y tế xã”.

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Quảng Trị đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Quảng Trị đã đạt được là khá tốt so với nhiều tỉnh có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người. Các chỉ tiêu về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế- xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế, gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Để giải quyết những vấn đề này, ngành y tế cùng với chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Với sự nỗ lực đó, tin tưởng rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

                                                                     Bài, anh: Phan Thanh Hải

Các tin khác